Một phần Vientiane nhìn từ Khải Hoàn môn |
Vientiane trở thành thủ đô Vương quốc Lào từ năm 1563 dưới triều vua Setthathirat. Thành phố yên bình nằm thoai thoải ven sông Mekong. Bên kia sông là tỉnh Nong Khai (Thái Lan).
Từ TP.HCM đi Vientiane bằng đường hàng không mỗi ngày chỉ có một chuyến của Vietnam Airline, quá cảnh ở sân bay Pochentong, Campuchia. Đường bay độc quyền, giá vé đắt, khoảng 420 USD/khứ hồi. Sân bay quốc tế Wattay cách trung tâm thành phố khoảng 4km. |
Tên gọi Vientiane theo ngôn ngữ Phật giáo có nghĩa là "khu rừng đàn hương của nhà vua", loại cây quý vì mùi hương thơm ngát. Theo nghĩa tiếng Lào, Vientiane có nghĩa là "thành phố trăng".
Cảm giác khi đến Vientiane là thành phố yên bình, ít nhà cao, cây cối nhiều, đâu đâu cũng thấp thoáng bóng chùa chiền với kiến trúc đặc trưng mái cong, rực rỡ đỏ vàng.
Đường sá nhỏ, xe cộ đi lại thong thả, ít tiếng còi xe. Dễ dàng bắt gặp những chiếc xe máy đậu chơ vơ ở lề đường, trên xe có đủ chìa khóa, mũ bảo hiểm nhưng chờ mãi mới thấy chủ nhân ở đâu đó lững thững ra leo lên xe đi. Nếu bạn vào cửa hiệu, cứ yên tâm để xe bên ngoài với tất cả đồ đạc, không lo mất mát.
Đại lộ lớn nhất là Lan Xang. Chợ Sáng nằm trên đại lộ này, có lẽ là khu chợ lớn nhất Vientiane, kiểu như Đồng Xuân (Hà Nội), An Đông (TP.HCM) của Việt Nam nhưng nhỏ hơn chút. Vào gần chợ mà không biết là chợ vì không có lao xao chao chát, không có ồn ã mời chào. Hàng hóa của Thái nhiều, giá cả bằng tiền baht tính ra cũng chẳng rẻ hơn ở Việt Nam. Chỉ thích là cứ thoải mái xem, không mua thì thôi, bỏ đi mà không sợ bị lườm nguýt sau lưng.
Đại lộ Lang Xang |
Patousay (Khải Hoàn môn) |
Từ chợ Sáng đã thấy sừng sững đài Anou Savary (đài Chiến sĩ vô danh), sau năm 1975 được đổi thành Patousay (Khải Hoàn môn).
Đài Patousay được xây dựng từ năm 1958, phần dưới và ngoài mô phỏng Khải Hoàn môn ở Paris, phần trên và trong gồm những nét kiến trúc, phù điêu đặc thù Lào. Mua vé 3.000 kip để leo lên đến tầng trên cùng. Đứng trên tầng cao nhất có thể nhìn toàn cảnh Vientiane, cả Mekong xa xa, duy nhất một nhà cao tầng bên bờ sông.
Vòm trần Patousay |
That Luang
Đi hết đại lộ Lang Xang là thấy That Luang rực rỡ trước mặt.
That Luang (tháp Lớn) nằm cách Patousay khoảng 2km về phía đông. Đó là ngôi đền Phật giáo quan trọng nhất. Tháp được xây theo hình một nậm rượu, trên phế tích của ngôi đền Ấn Độ thế kỷ 13. Ngày xưa bên ngoài tháp được dát vàng. Bây giờ lớp sơn vàng có nhũ cũng óng ánh lắm.
Cảnh quan phía ngoài That Luang |
That Luang đã bị phá hủy trong cuộc xâm lược của người Thái vào thế kỷ 19 nhưng sau đó được khôi phục nguyên trạng. Kiến trúc ngôi chùa tháp mang phong cách văn hóa, bản sắc Lào và đã trở thành một biểu tượng quốc gia của Lào, được in trên tiền giấy và quốc huy của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Chính vua Setthathirat cho xây dựng cảnh quan That Luang với ngôi chùa và đại pháp cùng tên vào năm 1566.
Theo truyền thuyết, trong tháp có lưu giữ xá lợi của Đức Phật là một sợi tóc và rất nhiều châu báu. That Luang gồm tháp chính cao 45m, bao quanh là các tháp phụ sơn thếp vàng rực rỡ, uy nghiêm dưới trời xanh trong.
That Luang uy nghiêm dưới trời trong xanh |
Ngọn tháp chính của That Luang được bao quanh bởi ba lớp tường đồ sộ, được trang trí bằng những cánh hoa sen sơn son thếp vàng và những ngọn tháp nhỏ lộng lẫy. Cách bức tường cánh sen ngoài cùng bởi một thảm cỏ xanh mượt là một trường lang có mái xây vòng quanh ngôi đền. Khách tham quan đi trong trường lang để chiêm ngưỡng ngọn tháp và những bức tượng cổ đặt dọc lối đi.
Cảnh quan bên ngoài That Luang thoáng đạt. Dãy hàng lưu niệm ở bên phải. Sạch sẽ, trật tự, không có ăn xin và mời chào mua đồ lưu niệm.
Vườn Chư Phật
Một góc vườn Chư Phật |
Một nơi cũng không thể bỏ qua khi đến Vientiane là vườn Chư Phật và cầu Hữu Nghị Lào - Thái.
Suốn Xiêng Khuông, tục gọi là Suốn Phụt tức vườn Chư Phật, nằm trong vùng Thà - Đừa, cách Vientiane khoảng 25km. Đường đi đến vườn Chư Phật chạy men theo bờ sông Mekong. Bạn sẽ thích thú với cảnh vật thanh bình, bên phải là vườn, rừng, suối róc rách, bên trái là Mekong mênh mang. Vườn Chư Phật hay còn gọi nôm na là bãi Phật (Buddha Park) là một quần thể gồm hàng trăm bức tượng được đúc theo Phật thoại.
Các bức tượng nhiều cỡ lớn nhỏ, vô cùng phong phú về hình dáng, thể hiện những huyền thoại được khắc trên những tấm bảng gắn ở dưới bằng tiếng Lào: tượng Phật nằm uy nghiêm trầm mặc; voi ba đầu, rùa, cá sấu, rắn… cách điệu theo truyền thuyết; đoàn nhà sư khất thực, dũng sĩ, vũ nữ… thật sinh động và huyền bí… Bạn sẽ ngẩn ngơ, thơ thẩn ngắm, chìm đắm ngẫm ngợi về những điều răn của đạo Phật, khâm phục ý tưởng người xưa.
Một số tượng trong bãi Phật |
Cầu Hữu Nghị Lào - Thái cách đó không xa, do Chính phủ Úc tài trợ, khánh thành ngày 12-4-1994. Cầu dài 1.174m, rộng 12,7m, hai làn xe. Bạn có thể đến thăm cửa khẩu quốc tế Lào - Thái, mua sắm ở Dao- Heuang Duty Free Shop.
Khi chiều buông có thể rủ nhau ra bờ sông Mekong, vào một nhà hàng hay quán cóc. Bất cứ ở đâu, nếu bạn nhớ chắp tay trước ngực và nói “Sabaiđi!” (Xin chào!), “Khọp chay!” (Cảm ơn!) thì đã có thể như người thân thiết. Đồ ăn phong phú, giá cả phải chăng.
Ở Lào, đồ nướng đặc biệt ngon: cá nướng, gà nướng… ăn kèm với típ xôi trắng dẻo thơm hay nếp lam nướng trong ống tre. Thêm trái dừa nướng hay vài chai bia Lào… Bạn sẽ muốn ngồi mãi đấy, thanh thản với làn gió sông mát rượi, với không gian trong lành thoảng tiếng chuông chùa…
Hiện đại và truyền thống trước Khải Hoàn môn |
Xa rồi, có lúc nào đấy mỏi mệt bạn sẽ nhớ đất nước Lào thanh bình. Đất nước đi đâu cũng thấy rừng cây xanh ngắt, mùi phân bò nồng ngái, khói bếp nướng thanh bình mỗi buổi chiều về… Đi đến đâu cũng gặp Mekong mênh mang, những mái chùa cong vút với bóng những nhà sư trẻ áo vàng…
Và nhớ hơn cả là người dân Lào với nụ cười thật đôn hậu, ấm áp…