Với việc sử dụng phác đồ điều trị linh hoạt giúp một trường hợp âm tính với virus Corona, đồng thời có đầy đủ bằng chứng để xác định virus Corona có thể lây từ người sang người, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia trên thế giới ghi dấu ấn trong cuộc chiến chống lại bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV).
Xuyên Tết tìm ra phác đồ điều trị chống lại virus Corona
Tiến sỹ, bác sỹ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh - người trực tiếp điều trị cho 2 bệnh nhân dương tính với virus Corona kể: Ngày 22/1 (tức ngày 28 tháng Chạp Kỷ Hợi), Bệnh viện tiếp nhận 2 bệnh nhân là 2 cha con người Trung Quốc được chuyển lên từ Bệnh viện huyện Bình Chánh với những nghi vấn nhiễm bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đang hoành hành ở Trung Quốc.
Ngay lập tức, 30 nhân viên y tế có chuyên môn cao của Khoa được huy động trở lại để thực hiện việc phân luồng, cách ly và theo dõi, điều trị nhằm không để bệnh phát tán ra ngoài, dù trước đó lịch nghỉ Tết, trực Tết đã được phân công.
Tuy nhiên, quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn do đây là bệnh mới xuất hiện, chưa có phác đồ điều trị chuẩn.
“Lúc tiếp nhận 2 ca bệnh đầu tiên, chúng tôi chỉ biết đây là virus gần giống với SARS, gây viêm phổi, viêm đường hô hấp trên, độc lực mạnh, nguy cơ tử vong cao, khả năng lây lan rộng… khiến chúng tôi gặp áp lực rất lớn,” bác sỹ Hùng chia sẻ.
Ngay cả các nhân viên y tế cũng lo lắng bởi nguy cơ chính họ mang mầm bệnh về lây lan cho gia đình, người thân là rất lớn. Do đó, xuyên Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, toàn bộ ê-kíp cũng tự cách ly mình vừa để toàn tâm toàn ý theo dõi, điều trị cho người bệnh, vừa không mang mầm bệnh phát tán ra ngoài.
Với sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Khoa Bệnh Nhiệt đới đã túc trực 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến của hai bệnh nhân và kịp thời ứng biến đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp với diễn tiến sức khỏe của người bệnh.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân Li ZiChao (người con, 28 tuổi) có diễn tiến bệnh thuận lợi do còn trẻ, sức đề kháng tốt, không có bệnh nền kèm theo nên sức khỏe hồi phục tốt và đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus Corona sau 7 ngày điều trị.
Riêng bệnh nhân Li Ding (người cha, 66 tuổi) do có nhiều bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch và ung thư phổi nên việc điều trị khó khăn hơn. Các bác sỹ vừa phải tìm ra phương pháp khống chế virus Corona vừa phải theo dõi vấn đề của các bệnh lý kèm theo. Đến ngày thứ 4, bệnh nhân có diễn tiến bệnh xấu nhưng nhờ kịp thời xử lý, các bác sỹ đã giúp người bệnh qua cơn nguy kịch và hiện đang trên đà hồi phục tốt.
“Kinh nghiệm từ những lần chống dịch trước, khi chưa có phác đồ điều trị chuẩn, chúng tôi sử dụng phương pháp cá thể hóa mỗi bệnh nhân, có nghĩa là phương án điều trị tùy thuộc vào tình hình sức khỏe, thể trạng, bệnh nền của bệnh nhân và theo dõi sát diễn tiến của bệnh. Đáng mừng là phương pháp này đã mang lại những hiệu quả nhất định, người con đã âm tính với virus, dự đoán trong 1-2 ngày tới người cha cũng sẽ âm tính với virus này,” bác sỹ Hùng cho hay.
Chủ động ứng phó
Theo bác sỹ Lê Quốc Hùng, từ khi có thông tin về bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) rộ lên ở Vũ Hán (Trung Quốc), Bệnh viện Chợ Rẫy đã thành lập các nhóm chuyên trách riêng bởi dự đoán không sớm thì muộn, chắc chắn mầm bệnh sẽ lây lan về Việt Nam.
Sau 8 ngày phát hiện và điều trị tích cực cho 2 bệnh nhân nhiễm virus Corona, các bác sỹ Việt Nam đã chứng minh được khả năng lây truyền từ người sang người của virus này. “Chúng tôi đã gửi báo cáo lên Tổ chức Y tế thế giới cũng như các chuyên gia điều trị lâm sàng những bằng chứng xác thực về khả năng virus Corona lây từ người sang người, dù trước đó thế giới chưa thể kết luận điều này,” bác sỹ Hùng cho biết.
Cụ thể, theo bác sỹ Hùng, bệnh nhân Li Ding (người cha) mang mầm bệnh từ Vũ Hán (Trung Quốc), sang Việt Nam đã lây cho con trai của mình là bệnh nhân Li ZiChao. Trong khi đó, bệnh nhân Li ZiChao đã sống ở tỉnh Long An (Việt Nam) 4 tháng trước đó, không bay qua vùng dịch, không có bất kỳ sự tiếp xúc nào với người đến từ vùng dịch hoặc người nghi ngờ mắc bệnh khác, chỉ đến khi tiếp xúc với người cha mới bắt đầu nhiễm bệnh.
Mặc dù vậy, bác sỹ Hùng vẫn băn khoăn: “Gia đình này có 3 người, 2 cha con đều nhiễm bệnh nhưng người mẹ lại không nhiễm bệnh dù có tiếp xúc với cả 2 người bệnh. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho chúng tôi và các nhà chuyên môn trên thế giới để nghiên cứu, tìm hiểu thêm.”
Trong bối cảnh thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với virus Corona và tình hình dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp tại Trung Quốc, virus có thể lây truyền từ người sang người, bác sỹ Lê Quốc Hùng khuyến cáo người dân tự phòng tránh bằng các biện pháp tránh những chỗ đông người, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh hoặc người đi từ vùng dịch về, tốt nhất nên giữ khoảng cách trên 1,5m.
Bác sỹ Hùng khẳng định bệnh có thể lây lan qua đường hô hấp, có giọt bắn của nước bọt khi hắt hơi, nói chuyện. Do đó, cần che miệng khi ho, rửa tay thường xuyên và súc họng bằng các dung dịch sát khuẩn thường xuyên trong ngày.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, các trường hợp nặng và tử vong ở Trung Quốc chủ yếu là do bệnh nhân có bệnh nền, bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, suy gan thận, suy giảm miễn dịch... Do đó người mắc bệnh mãn tính, người có bệnh nền cần lưu ý phòng bệnh cẩn thận hơn.
Theo báo cáo của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế, tính đến 8 giờ ngày 30/1/2020, trên thế giới đã có 7.809 người mắc bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), chủ yếu là ở Trung Quốc với 7.714 người, trong đó có 170 trường hợp tử vong đều ở Trung Quốc.
Riêng tại Việt Nam, tính đến ngày 30/1/2020, chưa có công dân Việt Nam, cán bộ y tế xác định bị nhiễm bệnh. Cả nước có 2 trường hợp người Trung Quốc xét nghiệm dương tính với nCoV , đã điều trị thành công 1 trường hợp./.