Công nghệ 5G không đơn thuần là kết nối thoại và dữ liệu giống như 4G, là một mô hình kinh doanh hoàn toàn khác.
Các mạng di động lớn đều cho biết sẵn sàng triển khai thử nghiệm công nghệ 5G khi Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019 và chính thức triển khai vào năm 2020.
Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, tập đoàn đã sẵn sàng tham gia cuộc thử nghiệm 5G năm 2019 và hi vọng sẽ sớm có thông tin về tần số để Viettel và các nhà mạng khác có sự chuẩn bị về thiết kế, thiết bị phù hợp, nhằm đáp ứng tần số mà Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sử dụng cho 5G.
Theo ông Thắng, Viettel hiện còn đang nghiên cứu sản xuất thiết bị trạm phát sóng 5G, đồng thời đã thành lập nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ 5G từ năm 2015.
"Với kinh nghiệm trong phát triển trạm phát sóng 4G eNodeB và mạng lõi, Viettel định hướng tập trung vào nghiên cứu trạm phát sóng 5G. Cụ thể là các công nghệ cốt lõi của sản phẩm quyết định đến chất lượng và hiệu năng của sản phẩm tận dụng các kinh nghiệm thu được trong quá trình nghiên cứu chế tạo trạm phát sóng 4G", vị này nói.
Ông Thắng cũng cho biết hiện Viettel đã đạt được một số kết quả tích cực như làm chủ công nghệ lõi của phần mềm cho thiết bị 5G, làm chủ thiết kế phần cứng khối thu phát cao tần và làm chủ thiết kế phần mềm lớp vật lý cho thiết bị 5G.
Đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), mặc dù hiện vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh vùng phủ sóng 4G theo nhu cầu của thị trường và dự kiến sẽ phủ sóng 4G tới 95% dân số và tập trung phủ sóng vào các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trong năm 2019, nhưng ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT cho biết, mới đây VNPTcũng đã trình lên Bộ Thông tin và Truyền thông cho mạng VinaPhone thử nghiệm 5G.
Ông Hùng cho biết, việc thử nghiệm này để VNPT làm chủ công nghệ và quy hoạch mạng lưới trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, VNPT cũng thử nghiệm để chuẩn bị sản xuất các thiết bị mạng 5G. Theo lãnh đạo VNPT, tập đoàn này cũng đã sẵn sàng để cung cấp dịch vụ 5G sớm nhất cho khách hàng của mình sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.
Về lộ trình triển khai 5G tại Việt Nam, tại một tọa đàm mới đây về "Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết về thời gian cấp phép băng tần thử nghiệm 5G và chính thức triển khai 5G tại Việt Nam, và cho biết công nghệ 5G đang tới, đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng.
"Muốn thay đổi thứ hạng thì phải đi đầu. Chưa đi đầu được trên phạm vi toàn quốc thì đi đầu ở Hà Nội và Tp.HCM. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019, và đến năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G thì Việt Nam cũng sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bà Susie Armstrong, Phó chủ tịch cấp cao về Công nghệ của Qualcomm, khi trao đổi với VnEconomy cũng cho biết, 5G mang lại rất nhiều ứng dụng tiềm năng khác nhau, không chỉ là kết nối thoại và dữ liệu như 4G. 5G với độ trễ thấp, dung lượng lớn và thời gian đáp ứng nhanh, sẽ tạo ra rất nhiều ứng dụng trong nhiều ngành kinh tế khác nhau.
5G sẽ hỗ trợ rất nhiều ứng dụng khác nhau, IoT chẳng hạn, đô thị thông minh, y tế thông minh… Giá thành trên 1GB của 5G thấp hơn rất nhiều so với 4G, dự báo thấp hơn 10 lần. Công nghệ 5G không đơn thuần là kết nối thoại và dữ liệu giống như 4G, là một mô hình kinh doanh hoàn toàn khác.