Sau thời gian chấp hành án phạt tù, được sự động viên, hậu thuẫn của gia đình, anh Trương Văn Thành (SN 1992), trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Cẩm xuyên quyết định làm lại cuộc đời.
Anh Thành chọn đầu tư dịch vụ cho thuê rạp đám cưới và được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cẩm Xuyên cho vay 80 triệu đồng theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (gọi tắt là Quyết định 22).
Anh Trương Văn Thành tâm sự: “Nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH đã giúp tôi có thêm nguồn lực để mở rộng dịch vụ. Hiện nay, tôi nhận dịch vụ làm rạp đám cưới trong toàn huyện Cẩm Xuyên, tạo việc làm cho 4 lao động địa phương. Tính ra, trừ chi phí, mỗi năm tôi cũng lãi gần 100 triệu đồng. Giờ đây, tôi cố gắng để bù đắp những thiệt thòi đã gây ra cho bố mẹ. Bản thân tôi cũng vừa cưới vợ nên sẽ sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và mang lại niềm vui cho người thân”.
Hơn 10 năm chấp hành xong án phạt tù, anh Đặng Văn Dũng (SN 1980), trú tại tổ dân phố 1, thị trấn Cẩm Xuyên đã được Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên cho vay vốn đầu tư mở cửa hàng ăn uống.
"Chương trình này rất nhân văn, giúp những người lầm lỡ có cơ hội phát triển kinh tế, tái hòa nhập cộng đồng. Giờ đây, tôi sẽ cố gắng tu chí làm ăn để có kinh phí nuôi các con ăn học, nâng cao chất lượng cuộc sống" – anh Đặng Văn Dũng tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Đức – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên thông tin: “Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực phối hợp với ngành công an và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền chính sách, tiếp nhận hồ sơ xin vay vốn, thẩm định hồ sơ và tiến hành giải ngân nguồn vốn theo Quyết định 22 đúng quy định pháp luật. Đến thời điểm hiện tại, dư nợ chương trình này của huyện Cẩm Xuyên lớn nhất tỉnh với 710 triệu đồng. Trong đó, từ đầu năm lại nay, đơn vị đã giải ngân 470 triệu đồng cho 8 khách hàng”.
Sau khi chấp hành xong án phạt tù, chị Nguyễn Thị Tám (SN 1972) trở về quê thôn 4, xã Hương Long (Hương Khê). Với những người như chị Tám, thiếu vốn làm ăn là mối lo ngại nên khi được Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê cho vay vốn theo Quyết định 22, chị rất phấn khởi.
Có vốn, chị Tám cùng gia đình đầu tư trồng cây gió trầm để ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập sau giai đoạn khó khăn.
Ông Lê Viết Thông – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê cho biết: “Quyết định 22 quy định 2 nhóm đối tượng được vay vốn gồm: người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá; cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Theo đó, người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người đối với vay vốn để đào tạo nghề; vay tối đa 100 triệu đồng/người đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh có lao động chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 2 tỷ đồng cho 1 dự án. Việc vay vốn được thực hiện qua Ngân hàng CSXH với lãi suất vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ”.
Ông Phan Ngọc Vũ - Phó Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các ngành, đơn vị liên quan tiến hành các thủ tục, đẩy mạnh cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn theo đúng quy định. Theo đó, dư nợ chương trình đến nay đạt 3.345 triệu đồng với 42 khách hàng thụ hưởng. Theo rà soát, những địa phương có dư nợ lớn như: huyện Cẩm Xuyên 710 triệu đồng, huyện Kỳ Anh 600 triệu đồng, huyện Đức Thọ 440 triệu đồng, huyện Can Lộc 360 triệu đồng…".
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung thêm nguồn vốn ngân sách địa phương để cho vay đối với các đối tượng người chấp hành xong án phạt tù. Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách; triển khai tốt quy trình, thủ tục cho vay đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù thực hiện đúng cam kết vay vốn, sử dụng có hiệu quả vốn vay; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo quy định…”