Bền động cơ, không có nghĩa các chi tiết khác đều bền. Hệ thống khung gầm chắc chắn, bền bỉ, chưa chắc các chi tiết cấu thành hệ thống chuyển động đã bền. Để đánh giá xe “bền”, không thể cảm tính cá nhân, kể cả trải nghiệm cá nhân khi được cầm lái, thay đổi nhiều xe, mà phải do các cơ quan, tổ chức chuyên môn phân tích với nhiều tiêu chí như thực nghiệm, khảo sát khách hàng, cũng như tạp chí ôtô uy tín bình chọn, dựa trên cơ sở khoa học, bài bản, chuyên nghiệp thì mới có thể đưa ra lựa chọn tương đối đúng cho số đông người tiêu dùng.
Trong những chiếc xe giá trị vừa phải, ta nên xét theo tiêu chí “xấu đều còn hơn tốt lõi”. Xấu ở đây muốn nói không phải là tệ, mà phải thừa đạt tiêu chuẩn quốc tế nào đó, ví dụ như IATF 16949:2009. Rất nhiều hãng trang bị cho ôtô của mình những công nghệ mang tính “marketing” là nhiều, chứ thực tế sử dụng không phát huy tác dụng, hoặc phát huy nhưng không được như quảng cáo.
Người Nhật tiết kiệm, bảo thủ là có thật. Các sản phẩm hàng hóa từ công nghiệp, công nghệ cao, thương mại, tiêu dùng nói chung và ôtô nói riêng đều mang triết lý của người Nhật - bền, tiện ích vừa đủ, tiết kiệm, vòng đời sản phẩm dài và chậm thay đổi.
Chính vì bền, vừa đủ và tiết kiệm nên vòng đời sản phẩm của Nhật thường dài hơn đối thủ. Điều này là thế mạnh khẳng định chất lượng, nắm bắt xu hướng sản phẩm sẽ tồn tại, không lỗi mốt trong thời gian dài; áp đặt tiêu chuẩn chất lượng buộc đối thủ mỏi chân chạy theo với chi phí cao, nhưng cũng là điểm yếu trong cạnh tranh quốc tế.
Các đối thủ của Nhật, đặc biệt là Hàn Quốc phân tích rất kỹ triết lý của người Nhật, họ vừa học tập vừa sáng tạo, vừa khai thác điểm yếu trong cạnh tranh. Như đã biết các sản phẩm của Hàn Quốc đều bắt mắt, hợp thị hiếu, đa dạng phân khúc, tràn ngập công nghệ, nâng cấp dày hơn, vòng đời sản phẩm ngắn. Để làm gì? Để đối trọng với “tiếng thơm” - chất lượng Nhật Bản.
Nếu xét theo tiêu chí chung xấu đều còn hơn tốt lõi (độ đồng đều chất lượng) thì Hàn Quốc chưa bắt kịp Nhật, mặc dù có nhiều tiến bộ. Người Hàn Quốc tập trung mạnh vào khách hàng tương lai, khách hàng trẻ, năng động, chấp nhận thay đổi. Nhóm khách hàng trẻ ngày nay kiếm tiền sớm hơn, bền vững hơn thế hệ trẻ thời đại trước, chịu chơi, chịu chi hơn, đó là thành công của các sản phẩm Hàn Quốc khi khai thác.
Nói về chất lượng “phẳng rồi” , chưa hẳn đúng. Các nhà sản xuất, các hãng đều giữ lại bí kíp để sinh tồn. Có bí kíp chế tạo máy, luyện kim, hoặc công nghệ, nhưng khi sản xuất hàng loạt lại có giá thành cao thì coi như bí kíp cũng mất đi một nửa. Mua chi tiết và dây chuyền về chỉ việc lắp như lắp lego mà phần mềm điều khiển tích hợp không chuyển giao hoặc chuyển giao không hết thì coi như cũng chỉ còn một phần.
Một bà hàng phở đông khách và một bà hàng phở vắng khách, hai cửa hàng ngồi cạnh nhau, cùng nhập nguyên liệu từ một nơi, cùng có công thức chế biến chín bỏ vào mồm như nhau. Sao lại có khác biệt thế? Hẳn là do chất lượng không phẳng rồi. Chất lượng dịch vụ, chất lượng quảng bá thương hiệu, khai thác khách hàng, giữ khách, chất lượng bảo quản thức ăn, công đoạn, kiểm soát quy trình chế biến... là không phẳng rồi.
Cuối cùng dù đi xe Hàn hay xe Nhật hay xe của hãng nào đi nữa thì khách hàng đều “thua” nhà sản xuất. Có điều tiêu chí là gì, khả năng thế nào, và người tiêu dùng có cảm thấy hài lòng khi dùng những sản phẩm đó hay không, những cái khác có hay không không quan trọng.
Tôi mơ BMW, nhưng chỉ đủ tiền mua Kia, thoáng qua thấy đồ chơi của Kia cũng nhiều như BMW, đẹp chả kém xe nào, tôi “quất” luôn, không ân hận, thấy hạnh phúc, thế là bằng lòng. Tôi chả có thời gian và hơi đâu nhìn sang người trên đường đi Toyota và bĩu môi dè bỉu hay chê thánh Toyota là đồ ông già, đồ chưa mua đã lo giữ giá, đồ không thông thái, có tiền không biết tiêu, đồ tâm lý đám đông, đồ tự sướng với thùng tôn di động...
Theo VNE