Với những người nông dân ở vùng ngoài đê Đức Thọ, sản xuất lúa hè thu luôn đi liền với nỗi lo về thời tiết. Bà con lo lắng liệu rằng những chăm chút trong mùa vụ có nhận được thành quả khi mưa lũ luôn “chực chờ” và không ít năm họ phải chịu cảnh “trời cho thấy mà không cho ăn”.
Tuy nhiên, năm nay anh Lê Tuấn Anh (thôn Phúc Lộc, xã Bùi La Nhân) cũng như hàng nghìn nông dân vùng ngoài đê đều phấn khởi khi thời tiết ủng hộ, lúa được mùa, được giá.
Nông dân xã Bùi La Nhân (Đức Thọ) thu hoạch lúa hè thu. Ảnh tư liệu
Anh Lê Tuấn Anh phấn khởi: “Là vùng ngoài đê, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, mưa lũ nên chúng tôi luôn chủ động trong khâu sản xuất. Vụ này nhà tôi làm 1,7 mẫu ruộng. Cả vụ lo canh nước, bón phân, chăm sóc lúa cẩn thận, cuối cùng cũng được gặt “mùa vàng”. Nhờ tuân thủ lịch thời vụ và lựa chọn bộ giống chất lượng cao, ngắn ngày như: Nếp 98, BT09... nên lúa cho năng suất cao, đạt khoảng 2,8 tạ/sào. Không chỉ được mùa mà lúa tươi còn được thương lái bao tiêu tận chân ruộng với mức giá cao nhất trong nhiều năm qua (khoảng 6.500 đồng/kg). Nông dân vì thế càng có động lực bám đồng, bám ruộng”.
Cùng với xã Bùi La Nhân, nông dân toàn huyện Đức Thọ cũng hân hoan khi vụ lúa hè thu thắng lợi toàn diện về cơ cấu giống, lịch thời vụ và năng suất, chất lượng lúa. Ông Bùi Khắc Phong – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ cho biết: “Vụ hè thu năm nay, toàn huyện sản xuất 3.977 ha với các giống lúa chất lượng, năng suất cao như: Lai thơm, Nếp 98, Nếp 97, Hương Bình...
Chính quyền địa phương các cấp và ngành chuyên môn đã tập trung chỉ đạo sát sao, đốc thúc bà con xuống giống đảm bảo lịch thời vụ, kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng. Hơn nữa, nhờ truyền thống sản xuất nông nghiệp thâm canh cùng sự chăm sóc của bà con nên lúa hè thu của Đức Thọ đạt năng suất 47,08 tạ/ha (cao hơn 1,08 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2022) và chất lượng lúa tốt. Đây chính là động lực để chính quyền địa phương và bà con nông dân tiếp tục thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất trong vụ lúa xuân năm 2024”.
Năng suất lúa hè thu của huyện Can Lộc đạt 53,48 tấn/ha. Ảnh tư liệu
Ngoài Đức Thọ, các địa phương có trình độ thâm canh tốt, lúa hè thu đều đạt năng suất cao và khá đồng đều như: Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà... Vụ hè thu năm nay, huyện Can Lộc gieo cấy gần 9.000 ha. Địa phương ưu tiên lựa chọn các bộ giống chủ lực, có ưu thế vượt trội về năng suất và chất lượng như: Hoà Phát 3, Bắc Thịnh, Nếp 98, Hương Bình...
Ông Phan Cao Kỳ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc thông tin: “Thời tiết thuận lợi, bố trí cơ cấu giống phù hợp, chủ động nguồn nước và kiểm soát tốt sâu bệnh hại nên lúa hè thu sinh trưởng và phát triển tốt. Cuối vụ lúa đạt năng suất cao 53,48 tạ/ha (cao hơn vụ hè thu năm 2022 và cao hơn năng suất bình quân của tỉnh vụ hè thu 2023 là 3,2 tạ/ha)".
Can Lộc là “điểm sáng” của Hà Tĩnh về tích tụ ruộng đất, phá bờ vùng bờ thửa, tập trung sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn đồng nhất về giống, khoa học kỹ thuật... nhằm nâng cao năng suất cây trồng. Đến nay, toàn huyện đã có trên 3.000 ha lúa sản xuất tập trung, trong đó những địa phương tiên phong như: Thuần Thiện, Vượng Lộc, Khánh Vĩnh Yên, Tùng Lộc, thị trấn Nghèn... Quá trình này cũng tạo động lực để người dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hoá.
Lúa hè thu năm 2023 được thương lái thu mua tận chân ruộng với giá cao.
Ông Nguyễn Đình Trung – Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Hạ Vàng (xã Vượng Lộc, Can Lộc) vui mừng: “Tích tụ ruộng đất là chủ trương lớn giúp nông dân bắt tay vào lối sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị sản phẩm. Vụ này, HTX sản xuất theo hướng tích tụ ruộng đất trên diện tích hơn 30 ha với các giống lúa chất lượng, năng suất cao từ 3 – 3,2 tạ/sào. Lúa được mùa lại được giá nên nông dân cơ bản bán lúa tươi, thu tiền liền ngay tại chân ruộng”.
Theo ông Nguyễn Trí Hà – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, trong điều kiện thời tiết sản xuất vụ hè thu phức tạp, khó lường nên từ đầu vụ, công tác chỉ đạo lựa chọn bộ giống đã được ngành chuyên môn xem xét cẩn thận. Việc tập trung sử dụng các bộ giống ổn định, tiếp tục sản xuất các giống lúa mới chất lượng cao phù hợp với điều kiện sinh thái từng địa phương là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định thành công trong vụ mùa này.
Theo đó, vụ hè thu năm 2023, toàn tỉnh sản xuất 44.568/44.891 ha lúa, đạt 99,3% kế hoạch. Về cơ cấu giống, các địa phương chủ yếu gieo cấy giống có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày. Trong đó, nhóm giống thích ứng diện rộng và ổn định như: Hương Thơm 1, Thiên ưu 8, Xuân Mai, Nếp 98 chiếm 79,5% diện tích; nhóm giống triển vọng: Hà Phát 3, ND502, HD11... chiếm 10,9% diện tích, số diện tích còn lại là một số giống khác.
Ngay sau khi thu hoạch xong lúa hè thu, nhiều địa phương đã ra quân tích tụ, chuyển đổi ruộng đất để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân năm 2024.
Nhìn chung, vụ hè thu năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi; một số sâu bệnh hại như sâu cuốn lá nhỏ và bệnh khô vằn xuất hiện trên diện tích nhỏ và sớm được kiểm soát nên cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Cuối vụ, các địa phương đã chủ động, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão. Lúa hè thu năm nay thắng lợi toàn diện với năng suất bình quân toàn tỉnh ước đạt 50,28 tạ/ha (tương đương với vụ hè thu năm 2022) và sản lượng ước đạt 224.093 tấn.