Năm 2010, được chính quyền địa phương vận động cải tạo đất đồi để trồng cây cam, gia đình bà Phan Thị Hằng ở thôn Hợp Lợi (xã Hương Minh) đã mạnh dạn thuê máy móc về san ủi mặt bằng và trồng hơn 1 ha. Đến nay, nhờ chăm sóc tốt, vườn cam củabà cho thu nhập "ấm tay" qua từng vụ.
Bà Hằng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự đồng hành, định hướng của địa phương, chúng tôi đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá nhờ trồng cây cam. Mỗi năm, vườn cam mang về nguồn thu nhập khoảng 140 - 150 triệu đồng. Chính nguồn thu này đã giúp cuộc sống gia đình ổn định hơn, có điều kiện đóng góp, chung sức cùng xã nhà xây dựng NTM”.
Được biết, ngoài mô hình kinh tế của bà Hằng,xã Hương Minh hiện có hơn 90 mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên, phân bố rộng khắp các thôn. Những mô hình này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn và giúp địa phương hoàn thiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Ông Đoàn Ngọc Lương - Chủ tịch UBND xã Hương Minh cho biết: “Trong những năm qua, địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển kinh tế vườn đồi, như: hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật, đưa các bộ giống năng suất cao vào sản xuất... Nhiều hộ đã tranh thủ được sự hỗ trợ này để vươn lên thoát nghèo. Điều này không chỉ giúp bà con nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giúp xã sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, cụ thể là tiêu chí thu nhập, tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con mở rộng quy mô và áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”.
Nhờ chú trọng đưa các giống cây, con đạt hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất nên trong những năm gần đây, đời sống của người dân xã Đức Giang đã được cải thiện đáng kể, nhiều gia đình đã vươn lên trở thành hộ khá, giàu và có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương.
Cuối năm 2021, được người thân ở Hải Phòng hướng dẫn nuôi chồn hương, chị Lê Thị Quyên ở thôn Hợp Phát (xã Đức Giang) đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại rộng gần 500m2 và mua 50 cặp giống về nuôi thử nghiệm. Đến nay, nhờ chăm sóc tốt nên gia đình chị đã có thu nhập ổn định.
Chị Quyên phấn khởi cho biết: “Trong năm 2023, tôi đã xuất bán lứa đầu tiên với 25 cặp chồn hương giống, thu về hơn 600 triệu đồng. Còn từ đầu năm 2024 tới nay, tôi đã bán được 40 cặp chồn giống, thu về hơn 1 tỷ đồng. Ngoài mang về thu nhập ổn định, mô hình nuôi chồn của gia đình còn trở thành điểm tham quan, học hỏi của bà con trong và ngoài xã. Chúng tôi rất vinh dự và sẵn lòng chia sẻ bí quyết để bà con cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế”.
Theo UBND xã Đức Giang, nhờ tinh thần nỗ lực vươn lên làm giàu của người dân, trên địa bàn xã hiện đã xây dựng được 215 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm trở lên.
Nhờ sự đồng hành, “tiếp sức” của các cấp, trong những năm qua, phong trào phát triển kinh tế của người dân Vũ Quang đã có nhiều khởi sắc, đời sống của bà con không ngừng được nâng lên. Tính đến nay, địa phương đã xây dựng được gần 2.000 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.
Bà Nguyễn Thị Lương - Phó Chánh văn phòng nông thôn mới huyện Vũ Quang cho biết: “Xác định việc phát triển kinh tế đóng vai trò then chốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương nên huyện luôn khuyến khích bà con tích cực sản xuất để nâng cao thu nhập và có nhiều chính sách hỗ trợ như: tổ chức tham quan học hỏi các mô hình hiệu quả trong và ngoài tỉnh; chuyển giao khoa học kĩ thuật; xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ, lễ hội…
Khi kinh tế được cải thiện, đời sống được nâng lên, bà con có điều kiện hưởng ứng các hoạt động, phong trào tại địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần giúp địa phương vững tin chinh phục mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2025”.