Vụ trộm cúp vô địch World Cup hơn nửa thế kỷ trước

Dù là quê hương bóng đá, Anh chưa từng vô địch World Cup cho đến khi đăng cai giải đấu năm 1966, nhưng đó lại là khởi đầu cho một vụ trộm lịch sử.

Vụ trộm cúp vô địch World Cup hơn nửa thế kỷ trước

Cúp Jules Rimet (trái) và FIFA World Cup là hai mẫu cup trao cho đội vô địch giải bóng đá thế giới. Ảnh: FIFA.

Người Anh lúc đó khát khao danh hiệu vô địch thế giới đến mức 4 tháng trước khi giải đấu khởi tranh, nước này đã trưng bày cúp vô địch Jules Rimet tại Hội trường Trung tâm Westminster, London.

Đây là chiếc cúp đầu tiên của giải bóng đá lớn nhất hành tinh, do Abel Lafleur thiết kế và được chế tác từ bạc mạ vàng, với phần đế làm từ đá malachit màu xanh lam. Cúp Jules Rimet bao gồm một chiếc cốc hình bát giác, được giữ bởi một nhân vật có cánh tượng trưng cho Nike, nữ thần chiến thắng của Hy Lạp, cao 35 cm và nặng 3,8 kg.

“Đó là một tác phẩm nghệ thuật và là một biểu tượng mang ý nghĩa lịch sử lớn lao”, Simon Kuper, bình luận viên bóng đá của tờ FT, cho biết. Chiếc cúp được đặt theo tên của cựu chủ tịch FIFA Jules Rimet, người đã chiến thắng cuộc bỏ phiếu năm 1929 để bắt đầu tổ chức World Cup.

Ngày 20/3/1966, chỉ sau một ngày được trưng bày tại London, chiếc cúp Jules Rimet biến mất trước sự ngỡ ngàng của đội ngũ bảo vệ. “Hệ thống an ninh không có vấn đề gì”, một bảo vệ thuật lại khi đó. “Nó cứ thế không cánh mà bay”.

Tin tức lan truyền khắp thế giới, biến nước Anh thành một “trò cười”. Một quan chức thể thao Brazil gọi vụ trộm này là “hành vi báng bổ sẽ không bao giờ xảy ra ở Brazil”, bởi các băng đảng xã hội đen ở nước này rất tôn sùng bóng đá.

Cảnh sát thủ đô London lập tức triển khai các thám tử giỏi nhất tham gia chiến dịch tìm chiếc cúp, song manh mối duy nhất họ có là “một người đàn ông có vẻ khả nghi” rời Hội trường Trung tâm Westminster vài phút sau khi nó biến mất. Nghi phạm được mô tả là “ngoài 30 tuổi, chiều cao trung bình, môi mỏng, tóc đen bóng và có thể có sẹo trên mặt”.

Một ngày sau, Joe Mears, chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) khi đó, nhận được một gói hàng. Bên trong là một lớp lót có thể tháo rời khỏi đỉnh chiếc cúp, kèm một tờ giấy đòi tiền chuộc 15.000 bảng, với chữ ký của một người đàn ông tự xưng là “Jackson”.

Jackson đe dọa nếu ông Mears tiết lộ chuyện này với truyền thông hoặc báo cảnh sát, anh ta sẽ nấu chảy chiếc cúp. Ông Mears đã gọi cho Jackson để thương thảo, đồng thời thông báo với cảnh sát London. Họ đã chuẩn bị một cặp tiền giả và đảm bảo sẽ có các đặc vụ bí mật theo sát ông.

Nhưng vào phút chót, cựu chủ tịch FA bị đau thắt ngực và không thể rời khỏi giường. Jackson đã đồng ý để trợ lý của ông là McPhee tới điểm hẹn. McPhee trên thực tế là một cảnh sát.

Jackson xuất hiện một mình, vẻ ngoài không giống với mô tả nghi phạm. McPhee mở vali đưa tiền cho anh ta. “Hãy tin tưởng và lên xe cùng tôi đi khoảng 10 phút để lấy chiếc cúp”, Jackson nói.

Trên đường, qua gương chiếu hậu, Jackson nhận thấy một chiếc xe cũ đang bám đuôi. Nghi ngờ bị cảnh sát theo dõi, anh ta mở cửa nhảy ra khỏi xe, nhưng bị McPhee bắt ngay sau đó.

Tên thật của người đàn ông này là Edward Betchley, có tiền án trộm vặt, song anh ta tuyên bố mình vô tội. “Tôi không lấy cắp chiếc cúp”, Betchley khai, giải thích được một người tên là Pole trả 500 bảng để làm trung gian giao dịch.

Cảnh sát London không tìm thấy thêm manh mối nào về Pole. Trong khi đó, vì lo rằng sẽ không bao giờ tìm thấy chiếc cúp, FA đã cho chế tác một bản sao cúp Jules Rimet.

Vụ trộm cúp vô địch World Cup hơn nửa thế kỷ trước

Cúp Jules Rimet được giới thiệu với truyền thông Anh năm 1966. Ảnh: AFP.

7 ngày sau vụ trộm, một người đàn ông tên David Corbett đang dắt chó đi dạo tại Nam London thì chú chó Pickles phát hiện một gói hàng nằm dưới đất, bọc trong tờ báo. Đó là cúp Jules Rimet. Chiếc cúp được trả về cho FA và được bảo vệ cẩn mật, trong khi chó Pickles trở thành một hiện tượng quốc tế.

Mùa hè năm đó, tuyển Anh khởi đầu giải đấu một cách tệ hại, nhưng kết thúc bằng chức vô địch World Cup đầu tiên và duy nhất cho đến nay. Sau trận chung kết, Nữ hoàng Elizabeth II đã trao chiếc cúp cho đội trưởng Bobby Moore.

Kẻ trộm cúp vẫn là một bí ẩn nhiều thập kỷ sau đó, cho đến khi Tom Pettifor, biên tập viên chuyên về mảng tội phạm của Mirror, tìm được manh mối năm 2017.

“Một ngày nọ, nguồn tin quen thuộc nói với tôi rằng họ biết ai đã trộm chiếc cúp”, ông nhớ lại. Nguồn tin cho biết thủ phạm tên là “Sidney Kew”, đến từ khu vực Đường Walworth ở Nam London.

Pettifor bắt đầu truy tìm Kew. Ông nghiên cứu hồ sơ lưu trữ của cảnh sát từ năm 1966 và cuối cùng xác định được Sidney Kew, tên đầy đủ là Sidney Cugullere, khớp với mô tả nghi phạm rời khỏi Hội trường Trung tâm Westminster.

Vụ trộm cúp vô địch World Cup hơn nửa thế kỷ trước

Đội trưởng Bobby Moore nâng chiếc cúp Jules Rimet sau khi cùng tuyển Anh giành chức vô địch năm 1966. Ảnh: AFP.

Cugullere lớn lên trong nghèo khổ ở London rồi trở thành kẻ trộm và “bị bỏ tù trong phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình”. Gary, cháu trai người đàn ông này, xác nhận chú mình đã đánh cắp chiếc cúp năm 1966, nhưng ông đã qua đời vài năm trước.

Theo lời kể của người thân, ngày 20/3/1966, khi buổi triển lãm tại Hội trường Trung tâm Westminster đã đóng cửa, Cugullere đã tìm được cách lẻn vào bên trong và nhận thấy không ai bảo vệ chiếc cúp. Các nhân viên bảo vệ khi đó “ngồi trong một khu nhà phụ để uống trà”. Cugullere chộp lấy chiếc cúp, giấu trong áo khoác và bước ra ngoài.

Cugullere sau đó không tìm được khách hàng nào chịu mua chiếc cúp, trong khi thỏa thuận với FA kết thúc trong thảm họa và khiến người bạn Betchley của ông ta bị bắt.

Pettidor nhận định rằng Cugullere có thể đã bí mật thỏa thuận với cảnh sát để trả lại chiếc cúp dưới hình thức “một phát hiện tình cờ” của chú chó Pickles, nhưng giới chức Anh không bình luận về giả thuyết này.

Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Sau khi Brazil vô địch World Cup lần thứ ba năm 1970, nước này được nhận cúp Jules Rimet vĩnh viễn và trưng bày tại văn phòng của Liên đoàn Bóng đá Brazil.

Năm 1983, chiếc cúp bị đánh cắp và biến mất từ đó tới nay. “Rất có thể nó đang nằm trong tủ trưng bày của một nhà sưu tầm nào đó”, bình luận viên bóng đá Simon Kupe nhận định.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Đổ tiền thuê stylist cá nhân

Đổ tiền thuê stylist cá nhân

Không còn là "đặc quyền" của những ngôi sao trong làng giải trí, nhiều dân công sở ngày nay cũng đang chi hàng nghìn USD thuê stylist dạy họ cách mặc đẹp.
Trúng biệt thự khi mua chiếc ghế cũ

Trúng biệt thự khi mua chiếc ghế cũ

Khi Graham Dunlop trả tiền chủ nhân chiếc ghế không nhận mà muốn anh ủng hộ cho một tổ chức từ thiện, lúc đó anh không biết nó sẽ thay đổi cuộc đời mình.
Cụ bà 92 tuổi vẫn theo đuổi nghề người mẫu

Cụ bà 92 tuổi vẫn theo đuổi nghề người mẫu

Bà Carmen Dell'Orefice được biết đến là người mẫu lớn tuổi nhất làm việc trong ngành thời trang. Bà lọt vào “mắt xanh” của nhiếp ảnh gia từ năm 13 tuổi và đã theo đuổi nghề này cho đến tận ngày nay.
Cụ bà 101 tuổi đi học

Cụ bà 101 tuổi đi học

Bà Sarah Simpkins dự kiến sẽ tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non trường Cao đẳng Cộng đồng Brightpoint vào tháng 5/2024, sau 81 năm bỏ học.
Ôtô vấp nắp cống đè trúng người đi xe máy

Ôtô vấp nắp cống đè trúng người đi xe máy

Một xe máy điện và một ôtô cùng chạy qua một con phố nhỏ ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Khi chiếc minivan vượt lên từ bên trái, đột nhiên đuôi xe nảy lên cao rồi văng sang, đè trúng xe máy. Người đi xe máy bị chấn thương cột sống, rách phổi, và gãy một chân nhưng may mắn những vết thương không nguy hiểm đến tính mạng.
Con cua tuyết giá hơn 1,6 tỉ đồng

Con cua tuyết giá hơn 1,6 tỉ đồng

Một con cua tuyết "Matsuba-gani" đã được bán với giá 10 triệu yen (hơn 1,6 tỉ đồng) tại cảng cá Hamasaka, thị trấn Shinonsen, tỉnh Hyogo ở phía tây Nhật Bản vào hôm 6-11.
Bán bức tường giá 50.000 USD

Bán bức tường giá 50.000 USD

Một bất động sản ngay trung tâm khu phố sầm uất ở Washington D.C nhưng lại có giá 50.000 USD (gần 1,2 tỉ đồng) khiến nhiều người "việt vị".
Dùng ôtô hơn 4 tỉ đồng bán cơm bình dân

Dùng ôtô hơn 4 tỉ đồng bán cơm bình dân

Chuyện thật như đùa nhưng việc dùng chiếc xe sang giá tiền tỉ lại chỉ bán cơm bụi bình dân hẳn khiến nhiều người tò mò. Nhưng qua đó cũng cho thấy đừng vội đánh giá thấp những người bán hàng rong, thấy họ vậy đó chứ có khi là đại gia cũng không chừng.