Không còn những bờ thửa nhỏ, lúa sản xuất một giống, một quy trình đã tạo điều kiện để tối ưu hóa cơ giới.
Cách đây một năm, khi bắt tay vào canh tác trên những cánh đồng liền vùng, liền thửa, không ít bà con nông dân ở nhiều địa phương của Thạch Hà, Cẩm Xuyên như được mở mang tầm nhìn. Những thửa ruộng liền mạch, được phân định ranh giới chỉ bằng hai cột mốc bê tông đóng trên bờ vùng. Vào mùa xuống giống hay thu hoạch, máy móc ồ ạt đổ xuống chạy ro ro vài hôm là hoàn tất.
Ông Hà Văn Quỳnh - thôn Nam Lý, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cho biết: “Chẳng còn bờ thửa, bà con giảm được khâu làm cỏ, hạn chế sâu bệnh mà đồng ruộng được cải tạo phẳng lì. Vào vụ, đồng loạt bà con cùng xuống một loại giống, một thời vụ. Nhờ vậy, năng suất tăng cao, vụ xuân phải 3,5 tạ/sào, còn vụ hè thu cũng đạt 2,7 tạ/sào”.
Cánh đồng hơn 80 ha của thôn Nam Lý, Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) bội thu năng suất vụ hè thu 2019.
Nông dân vui vì được mùa, còn đồng ruộng cũng dần xóa được “định kiến” manh mún khi diện tích sản xuất tăng lên, còn số thửa giảm đến con số hàng nghìn. Năm 2019, hiệu quả kinh tế từ hình thức sản xuất này tăng từ 16 - 20% so với truyền thống (khoảng 5 triệu đồng/ha/vụ).
Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho hay: “Cẩm Xuyên đã hình thành nhiều cánh đồng một giống, cơ cấu thời vụ khá đồng nhất, là nền tảng thuận lợi để các địa phương thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả trồng lúa một cách bài bản và bền vững. Thời gian tới, huyện sẽ xây dựng 400 ha cánh đồng liền thửa tại 12 - 13 xã gắn với sự tham gia liên kết chuỗi của doanh nghiệp”.
Thửa cách thửa chỉ còn một rãnh cấy... (cánh đồng 1 giống 35 ha tại xã Thạch Hội, Thạch Hà vào vụ xuân 2019).
Ít chục ngày nữa, những cánh đồng này lại ầm ù tiếng máy vào vụ mới. Vụ xuân 2020, mô hình cải tạo, nâng cao chất lượng hiệu quả đất chuyên trồng lúa dự kiến sẽ được mở rộng ra toàn tỉnh. Bằng cách phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn, bình quân mỗi thửa sau khi cải tạo có diện tích tối thiểu từ 0,2 - 0,5 ha, mỗi vùng từ 5 - 10 ha. Những cánh đồng này sẽ được cơ cấu dòng lúa chủ lực, chất lượng để nâng dần năng suất đại trà.
Riêng hai địa phương thí điểm Cẩm Xuyên và Thạch Hà, diện tích thực hiện tăng thêm 30%, đạt gần 900 ha với trên 20 xã tham gia.
Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh đang mở rộng quy mô liên kết sản xuất cánh đồng lớn nhờ chủ trương phá bờ vùng, bờ thửa ở các địa phương.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: “Mô hình cải tạo, nâng cao chất lượng hiệu quả đất chuyên trồng lúa chính là hướng đến nền sản xuất nông nghiệp tập trung, đồng nhất về giống, quy trình, sản phẩm. Từ đây, sự đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp sẽ góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh, hình thành những mô hình sản xuất hiệu quả hơn”.
Hiện nay, Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh và Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh vẫn là những đơn vị chủ lực, liên kết và bao tiêu lên đến hàng trăm ha mỗi đơn vị. Và, cuộc biến đổi từ sản xuất, mở rộng cánh đồng lớn sẽ là cuộc mở đường cho những chủ trương mới trong sản xuất lúa gạo, hướng đến tích tụ ruộng đất...