Tàu trên 90CV bị mắc cạn khi vào cảng Cửa Sót
Sau nhiều ngày đánh bắt trên biển, tàu TH – 6331, công suất 380 CV của ngư dân Nguyễn Văn Hưng ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã quay trở về đất liền trong niềm phấn khởi trúng mẻ cá lớn. Thế nhưng khi về đến Cửa Sót và chỉ còn cách cảng cá Cửa Sót chưa đến 500m thì tàu bị mắc cạn. Toàn bộ hải sản trên tàu có nguy cơ bị hư hỏng nếu không cập cảng kịp thời. Tình thế này, chủ tàu phải bỏ thêm một khoản kinh phí để thuê tàu nhỏ tăng bo hải sản vào cảng cá.
“Đánh được mẻ cá lớn, chúng tôi nhanh chóng cho thuyền quay vào bờ để kịp tiêu thụ hàng. Tuy nhiên, vào đến gần cảng thì bị mắc cạn, chúng tôi phải thuê tàu nhỏ tăng bo hàng vào cảng để kịp thời tiêu thụ. Một số tàu lớn sau khi vào bờ cũng phải nằm chờ 8-10 tiếng đồng hồ khi thủy triều lên mới ra khơi được” – ngư dân Nguyễn Văn Hưng bày tỏ.
Mặc dù đã được nạo vét nhưng chỉ sau 9 tháng, luồng lạch Cửa Sót đã nhanh chóng bị bùn cát bồi lấp trở lại gần như trang thái ban đầu.
Được biết, năm 2017, trước tình trạng bùn cát bồi lấp luồng lạch Cửa Sót gây khó khăn cho hoạt động ra khơi và hậu cần nghề cá, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã chi 41 tỷ đồng nạo vét luồng lạch.
Theo thiết kế dự án sẽ nạo hút gần 400 ngàn m3 cát với chiều dài 3km, chiều rộng từ 30 đến 80m và độ sâu luồng là 3m. Dự án được triển khai năm 2017 và hoàn thành tháng 6/2018. Thế nhưng, đến nay, sau 9 tháng, luồng lạch Cửa Sót đã nhanh chóng bị bùn cát bồi lấp trở lại.
“Mặc dù đã được nạo vét nhưng do khu vực này có tốc độ bồi lắng rất lớn nên chỉ trong thời gian ngắn là trở lại như cũ. Tình trạng tàu thuyền mắc cạn khi ra, vào cảng cá Cửa Sót tiếp tục tái diễn, không chỉ tăng chi phí, thời gian, gây bức xúc cho ngư dân mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động hậu cần trên cảng và đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão” - Giám đốc BQL Các cảng cá Hà Tĩnh Bùi Tuấn Sơn xác nhận.
Do luồng lạch cạn, nhiều tàu thuyền khi ra vào cảng Cửa Sót đã bị cong trục, gãy chân vịt
Theo thiết kế, luồng và vùng neo đậu cảng cá Cửa Sót có độ sâu bình quân -3m, đảm bảo cho tàu thuyền có công suất lên đến 300 CV ra vào an toàn. Tuy nhiên, những năm gần đây, diễn biến, mức độ bồi lắng trong khu vực cảng diễn ra mức độ khá nhanh. Kết quả thí nghiệm của cơ quan chuyên môn cho thấy, tốc độ bồi lắng ở cảng cá Cửa Sót bình quân 100.000 m3/năm.
Trong lúc chờ đợi các giải pháp của chính quyền địa phương, thì bà con ngư dân vẫn đang đối mặt với những khó khăn, hiểm nguy mỗi khi ra vào cảng. Nhiều ngư dân không còn mặn mà cập cảng Cửa Sót để neo đậu, mua bán hải sản. Điều này đồng nghĩa hàng trăm hộ dân làm dịch vụ hậu cần và thu mua, chế biến thủy hải sản tại cảng sẽ mất việc làm.