Mỗi ngày trôi qua, bệnh viện lại tiếp nhận thêm hàng chục ca cấp cứu; dù ngày hay đêm, hàng chục chuyến xe cứu thương vội vàng chở bệnh nhân vào viện cùng với đó là những tâm trạng lo lắng, bất an xen lẫn những dòng nước mắt của người thân.
Những lúc nguy cấp đó, các tài xế cứu thương cũng phải xắn tay áo để băng bó hay hỗ trợ đưa bệnh nhân di chuyển nhanh chóng đến bệnh viện cấp cứu. Bởi vậy, không chỉ có nhiệm vụ lái xe, tài xế xe cứu thương còn phải biết sơ cứu và chăm sóc cho người bệnh.
Người lái xe cứu thương còn phải biết sơ cứu và chăm sóc cho người bệnh
Anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1994, quê ở huyện Can Lộc), thuộc đội cứu thương Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đã gắn bó với nghề lái xe cứu thương được hơn 2 năm nay. Chia sẻ về công việc, anh Sơn cho biết: “Áp lực lớn nhất của nghề này là tốc độ, phải làm sao đưa người bệnh đến đúng thời điểm cũng như bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, nhất là vào những giờ cao điểm.
Với những ca chấn thương nặng, tôi phải chạy thật êm để giảm xóc, tránh gây đau đớn cho người bệnh. Có những lúc vừa chở bệnh nhân đến viện, tôi đã phải nghe những lời khó chịu từ người nhà bệnh nhân, tuy nhiên đặt mình vào vị trí đó, tôi đều bỏ qua. Nghề này khó khăn, vất vả và nhiều áp lực lắm, nhưng nhờ sự động viên của gia đình, lãnh đạo bệnh viện và bạn bè đồng nghiệp nên tôi đã yên tâm gắn bó với nghề hơn”.
Theo anh Sơn, nghề áp lực nhưng nhiều lúc cũng tìm được niềm vui từ công việc của mình. Ví như, vận chuyển bệnh nhân đến viện kịp lúc, để bác sỹ cấp cứu người bệnh qua cơn nguy kịch; hay chở một ca sản phụ sinh nở kịp thời, mẹ tròn con vuông...
Anh Sơn đã gắn bó với nghề lái xe cứu thương 2 năm nay
Còn anh Phan Như Khánh (SN 1989, trú ở xã Thạch Sơn, Thạch Hà), hiện đang lái xe cho Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Tĩnh chia sẻ, mỗi tháng anh chạy tầm 30-40 chuyến xe cứu thương, trong đó có những chuyến từ Hà Tĩnh ra Hà Nội và từ Hà Tĩnh vào Huế. Làm nghề này, người và xe luôn ở trong tư thế sẵn sàng, hễ có bệnh nhân cần chuyển viện là phải lên đường ngay. Nhiều lúc đang ăn bữa cơm tối, hoặc cả lúc vừa về đến nhà sau một ca cấp cứu, nhận được điện của cấp trên cũng phải lập tức có mặt ở bệnh viện.
"Công việc nhiều lúc rất căng thẳng, nhất là khi gặp những trường hợp bệnh nhân bị bệnh thần kinh, la hét, co giật hoặc bệnh nhân vệ sinh ngay trên xe, nôn máu vào người... Nhưng ám ảnh nhất là những lần chở những bệnh nhân đã mất về nhà. Có lần tôi nhận nhiệm vụ chở một bệnh nhân đang hấp hối, lúc gần về đến nơi thì người đó đã qua đời. Nghe những tiếng khóc, tiếng kêu thảm thiết của vợ con họ, tôi cũng rơi nước mắt. Lúc đó, tôi chỉ cố gắng hoàn thành công việc để được trở về bên gia đình nhỏ của mình"- anh Khánh kể.
Anh Khánh là thành viên của tổ lái xe cứu thương 115
Lái xe cứu thương cũng là nghề thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh và có khả năng bị lây nhiễm bệnh cao, song hiện nay, những tài xế đặc biệt này vẫn không hề được trang bị dụng cụ bảo hộ cho riêng mình. Luôn phải trong tâm thế sẵn sàng lên đường mỗi khi nhận được "lệnh", họ cũng phải giữ cho mình một cái đầu lạnh và trạng thái tỉnh táo để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trên địa bàn Hà Tĩnh, ngoài các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện có đội cứu thương và xe cấp cứu bệnh nhân, còn có 2 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này là Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 và Trung tâm Cấp cứu Can Lộc. Có khoảng hơn 50 người thuộc tất cả những đơn vị nói trên hiện đang làm nghề lái xe cứu thương. |