Xuống giống đợt này, mướp đắng và dưa chuột Cẩm Trung sẽ kịp nguồn hàng phục vụ tết
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình anh Nguyễn Văn Thanh (xóm Trung Thịnh, xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên) đang huy động nhân lực để làm đất, xuống giống hơn 2 sào mướp đắng trong vườn. Anh Thanh chia sẻ: “Tết là thời điểm thị trường tiêu thụ nhiều nên giá cả sẽ tăng hơn so với dịp thường. Như tết năm ngoái, mướp đắng được thu mua với giá 30 – 40 nghìn đồng/kg. Thu hoạch cả vụ, gia đình lãi hơn 30 triệu đồng”.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thanh huy động nhân lực để xuống giống mướp đắng
Cũng đang hối hả phá bỏ giàn mướp ngọt cũ để gieo trồng cây mướp đắng, ông Võ Khắc Thuần (xóm Trung Thành, xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên) cho biết: “Thời tiết nắng ấm như những tuần này là thích hợp nhất để xuống giống. Sau khi dọn dẹp sạch sẽ khu vườn, tôi mua vôi về đổ, xới đất và bón phân để cải tạo đất. Để gieo được 2,5 sào mướp đắng trong vườn, 2 vợ chồng cũng mất khoảng vài tuần”.
Ông Võ Khắc Thuần phá bỏ giàn mướp ngọt cũ để trồng mướp đắng
Ngoài xuống giống mướp đắng, hiện nay, nhiều gia đình trên địa bàn cũng đang cày đất để xuống giống dưa chuột. Theo kế hoạch của địa phương, vụ đông năm 2019, toàn xã có hơn 1.000 hộ canh tác 37 ha rau màu trong vườn; trong đó, cây trồng chủ lực là mướp đắng và dưa chuột (chiếm 90% tổng diện tích rau vụ đông).
Cây mướp đắng gắn bó với người dân Cẩm Trung từ hơn 20 năm nay
Anh Lê Xuân Thanh – cán bộ nông nghiệp xã Cẩm Trung cho biết: “Các địa phương khác trồng rau tập trung ở các vùng chuyên canh còn ở xã Cẩm Trung thì lại duy trì truyền thống trồng rau màu trong vườn hộ. Nhà ít cũng trồng 1 sào, nhiều thì 2 – 3 sào. Đặc biệt, điều kiện tự nhiên đất pha cát rất thích hợp để trồng cây mướp đắng và dưa chuột. Bởi vậy mà hơn 20 năm nay, người dân địa phương gắn bó với 2 loại cây trồng này. Đây cũng là địa phương có diện tích trồng mướp đắng, dưa chuột nhiều nhất trên địa bàn toàn tỉnh”.
Mướp đắng có gai của bà con nông dân xã Cẩm Trung được thị trường ưa chuộng vì thơm ngon, dòn và có vị đắng
Không chỉ có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, bà con nông dân xã Cẩm Trung còn duy trì được loại giống mướp đắng đặc trưng mà thị trường yêu thích. Người dân gọi giống mướp đắng trên địa bàn là loại mướp đắng có gai (màu xanh đậm hơn và vị cũng đắng hơn, ngon hơn – PV).
Cứ sau 1 vụ sản xuất, bà con lại lựa những quả to nhất, đẹp nhất để làm giống cho vụ sau. Cách làm này không chỉ giúp bà con duy trì được cây giống mùa này qua mùa khác mà còn giúp họ tiết kiệm tiền giống.
Bà con nông dân tự để giống để duy trì cây trồng chủ lực trên địa bàn
“Mấy năm trước, xã cũng đưa về các loại giống mướp đắng, dưa chuột để hỗ trợ bà con nhưng trồng được 1 vụ thì bà con lại phải quay về với giống cũ vì thị trường ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, vì giống mướp đắng này đã lâu đời nên năng suất cũng kém hơn. Hi vọng, ngành nông nghiệp có thể nghiên cứu cho ra loại giống mới để cải tiến năng suất nhưng vẫn duy trì được những đặc trưng truyền thống của mướp đắng có gai”, anh Lê Xuân Thanh - cán bộ nông nghiệp xã Cẩm Trung nhấn mạnh.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ gieo trồng vụ đông năm 2019, UBND xã Cẩm Trung đã có công văn chỉ đạo về các thôn trên địa bàn. Hiện nay, các thôn đều đã họp triển khai gieo trồng. Toàn xã hiện đã xuống giống được 30% diện tích. Theo kế hoạch của xã, từ nay đến hết tháng 10, địa phương sẽ hoàn thành gieo trồng 37 ha mướp đắng, dưa chuột vụ đông. |