Hàng trăm ha bưởi Phúc Trạch ở Hương Khê bị lũ phá hoại
Tại xã Gia Phố (Hương Khê), sau 2 trận lũ kép nhẹ cuối tháng 9, vườn bưởi hàng trăm triệu đồng của ông Bùi Quang Giao (xóm 10) vẫn còn đầy dấu tích khi nước vừa rút được ít ngày… Những ngày đó, ông vẫn còn tranh thủ thu hoạch nhanh được các sản phẩm nhờ việc ngay từ đầu đã tham gia vào chuỗi liên kết đầu ra của doanh nghiệp… Giờ đây, sang trận lũ thứ 3 này, không chỉ vườn ông Giao mà chị Bình, anh Hải (thôn Hải Thịnh) vẫn không thôi nuối tiếc công sức, tiền của của mình. Những vườn cây ăn quả tại xã Gia Phố với tổng diện tích lên đến gần 40 ha, đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Những khu vườn tại xã Gia Phố tan hoang sau lũ
Thôn Yên Mỹ (Cẩm Yên, Cẩm Xuyên) - nơi được xem là một làng quê “đáng sống” với những hình ảnh yên bình trước đó với khu dân cư mẫu và trên 100 mô hình kinh tế cho thu nhập bình quân trên 70 triệu đồng/vườn/năm…, chỉ sau một trận lũ, hoa màu, rau ngắn ngày mất trắng. Cả một vùng cam nổi tiếng, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi khi tết đến xuân về…, sau ngập úng, đã xuất hiện những dấu hiệu chẳng lành. Chị Nguyễn Thị Thuận cho biết: “Bằng kinh nghiệm truyền thống, chỉ ít ngày nữa thôi, nắng lên, quả sẽ rụng rất nhiều, cây héo úa, tổn thất không dễ gì đo đếm được”.
Nhiều vườn cam tại thôn yên Mỹ, xã Cẩm Yên đối diện với những tổn thất lớn
Cây trái, hoa lợi không còn để thu hoạch trong mùa này là một chuyện. Nhưng quan trọng hơn là ảnh hưởng lâu dài tới các loại cây này sau một thời gian ngâm trong nước bạc. Tại huyện Can Lộc, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó chánh Văn phòng điều phối NTM huyện cho biết: Đáng ngại là các vườn này vừa được gây dựng, cũng bắt đầu cho thu hoạch. Cây chết dần, hoa lợi không có, nhiều vườn tại vùng núi còn bị sạt lở nghiêm trọng…. Dù muốn hay không thì tiến độ xây dựng NTM tại các xã này đều ảnh hưởng…”.
Cán bộ Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh, Văn phòng điều phối NTM tỉnh và các ngành chuyên môn đồng hành, hướng dẫn bà con các phương pháp phục hồi vườn sau lũ.
Từ mô hình thí điểm, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 2.000 vườn mẫu được xây dựng, trong đó, gần 900 vườn cơ bản đạt chuẩn theo 5 tiêu chí. Tuy nhiên, khi cơn lũ đi qua, trăn trở còn lại là không hề ít. Ông Trần Huy Oánh - Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết thêm: Nhận thấy tổn thất to lớn này, ngay sau khi nước lũ vừa rút, liên tục những cuộc họp gấp tìm phương án khôi phục vườn đã được Hội Làm vườn triển khai. Văn phòng điều phối NTM tỉnh, Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh đã liên tục phối hợp cùng các ngành chuyên môn về tận bà con nông dân, cùng lắng nghe, bàn bạc và đưa ra những phương án tối ưu nhất để từng bước hồi sinh những khu vườn mẫu.
Xưa, ông cha từng nói “nhất mẫu trạch bằng bách mẫu điền” - một mẫu vườn bằng trăm mẫu ruộng. Điều này một lần nữa càng khẳng định vai trò của kinh tế vườn. Từ vườn mẫu, người dân đã chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, ý thức. Nhờ đó, tạo điều kiện chỉnh trang nhà ở, xây dựng hàng rào xanh, bảo vệ môi trường trong nông thôn. Gần 2.000 vườn mẫu, một thành quả của rất nhiều nỗ lực. Vì thế, hơn ai hết, ngay lúc này, cần lắm sự quan tâm, đồng hành và giám sát thực hiện từ nhiều phía để nhanh chóng khôi phục, chỉnh trang, đưa lại nhiều đổi thay cho nông thôn.