Toàn tỉnh hiện có 23 cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vừa và nhỏ
Để quản lý chặt chẽ hơn, Luật Thủy sản 2017 đã ban hành và Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị tối thiểu đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá. Trong đó, diện tích mặt bằng tối thiểu phải đạt 1.000 m2 đối với cơ sở loại 1; 1.500 m2 đối với cơ sở loại 2 và 3.000 m2 đối với cơ sở loại 3.
Qua rà soát chỉ có 2 cơ sở đáp ứng đủ điều kiện về diện tích mặt bằng theo quy định mới. (Trong ảnh: Hợp tác xã đóng tàu Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) có diện tích 1300 m2.)
Qua rà soát, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 23 cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ gỗ vừa và nhỏ. Thế nhưng, chỉ có 2 cơ sở đủ điều kiện về mặt bằng là HTX đóng tàu Hải Hà ở xã Thạch Kim (Lộc Hà) và HTX đóng tàu Kỳ Hà (TX Kỳ Anh). Còn lại các cơ sở khác không đáp ứng yêu cầu về diện tích.
Giám đốc HTX đóng tàu Tiến Khang - Nguyễn Tiến Huyền (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) cho biết: HTX hoạt động được hơn 5 năm, có diện tích rộng gần 400 m2 nằm ở sát chân đê Cửa Nhượng. Hàng năm, HTX chỉ đóng mới và cải hoán những con tàu nhỏ có chiều dài 6m – 15m trở xuống. Bởi vậy, nếu theo quy định mới thì HTX của chúng tôi không đủ yêu cầu về diện tích mặt bằng. Nếu không mở rộng theo quy định, cơ sở của chúng tôi buộc phải đóng cửa vì không được cấp phép.
Hầu hết những cở sở có diện tích mặt bằng nhỏ, nguy cơ đóng cửa vì không đủ điều kiện mặt bằng
“Để mở rộng diện tích đảm bảo theo quy định thì gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn. Mặt khác, vấn đề luồng lạch bị bồi lắng hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu. Sau khi đóng mới và cải hoán, tàu thuyền muốn hạ thủy đều phụ thuộc vào thủy triều. Chính vì vậy, khách hàng sẽ cân nhắc khi tìm đến HTX để ký hợp đồng” – anh Huyền chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Long (Thạch Hà) Nguyễn Đình Đường cho hay: Trên địa bàn xã hiện có 4 tổ hợp tác đóng tàu, thu nhập hàng năm khá ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động địa phương. Hầu hết các cơ sở trên đều có diện tích khoảng 300 – 350 m2, nằm ven sông để dễ dàng hạ thủy khi cần thiết.
Các cơ sở đóng tàu cho thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao ở địa phương...
Tuy nhiên, theo Luật Thủy sản 2017 thì những cơ sở trên không đủ yêu cầu về diện tích. Trong khi đó, tháng 10/2019 những quy định trên sẽ có hiệu lực. Hiện tại, chính quyền địa phương đang rất lúng túng về việc quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp cho các cơ sở nâng cấp, mở rộng diện tích để tiếp tục được duy trì hoạt động.
Theo ông Nguyệt Viết Hùng – Trưởng phòng Khai thác Chi cục Thủy sản cho biết: Luật Thủy sản 2017 và các nghị định, thông tư hướng dẫn vừa ban hành có những điểm mới, đặc biệt về những điều kiện đóng mới tàu cá. Trong đó, đối với chủ tàu khi muốn đóng tàu cá thì phải tìm đến các cơ sở đã được cấp phép hoạt động. Mới đây, Chi cục Thủy sản đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho tất cả các chủ cơ sở đóng tàu trên địa bàn cùng với chính quyền địa phương về các quy định, điều kiện bắt buộc.
...và là nghề truyền thống lâu đời của nhiều địa phương
Nan giải nhất hiện nay là tiêu chí mặt bằng. Để giải quyết bài toán trên cần sự đồng hành của chính quyền địa phương các cấp tính toán, xem xét quy hoạch, quỹ đất cho các cơ sở đóng tàu về mặt bằng. Qua đó, tạo điều kiện cho các cơ sở tiếp tục duy trì và phát triển, mặt khác lưu giữ lại nghề truyền thống lâu đời của người dân nhiều địa phương.