Ông Võ Văn Minh (thôn Giang Hà, xã Thạch Kim) chuẩn bị ngư cụ cho chuyến biển đêm.
Trong cái rét căm căm của vùng biển, hàng chục ngư dân vẫn háo hức vượt sóng, vững vàng ra khơi tại cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà).
Đang tất bật kiểm đếm lại ngư cụ để chuẩn bị cho chuyến biển, ông Võ Văn Minh (thôn Giang Hà, xã Thạch Kim) hồ hởi cho biết: “Tết cận kề rồi nên ngư dân chúng tôi ai cũng tích cực bám biển. Như chuyến đánh bắt cách bờ 5 - 6 hải lý vừa cập bến sáng qua, thuyền của tôi đánh được hơn 50kg cá nục, 40kg ghẹ và một ít cá tạp. Sau khi trừ các chi phí, chúng tôi thu được hơn 3 triệu đồng. Nguồn thu này giúp gia đình trang trải được nhiều khoản dịp cuối năm”.
Dù mưa lạnh nhưng ngư dân Nguyễn Hồng Hải (thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim) vẫn nỗ lực vươn khơi để có thêm thu nhập.
Cũng đang chuẩn bị ngư cụ cùng một số nhu yếu phẩm cho chuyến ra khơi, ngư dân Nguyễn Hồng Hải (thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim) vui vẻ cho biết: “Từ đầu tháng 12 đến nay, dù thời tiết mưa lạnh nhưng thuyền của tôi vẫn vươn khơi đều đặn. Như mấy chuyến biển gần đây, tôi liên tục đánh bắt được cá nục và ghẹ. Vì cuối năm nên hải sản bán rất được giá, vừa cập bến là có thương lái gom ngay, sau khi trừ chi phí, tôi thu về được gần 4 triệu đồng/chuyến”.
Cũng theo ông Hải, trong năm, do ảnh hưởng của giá xăng dầu lên cao nên nguồn thu cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống, do đó, bà con ngư dân ai cũng quyết tâm vươn khơi khai thác hải sản chuyến biển cuối năm này để có một cái tết đủ đầy hơn.
Tính từ đầu tháng 12 đến nay, tại cảng cá Cửa Sót đã có hơn 200 lượt tàu, thuyền cập cảng, sản lượng đánh bắt đạt gần 50 tấn.
Ông Thân Quốc Tế - Phó Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá, bến cá Hà Tĩnh cho biết: “Những ngày cuối năm được xem là thời điểm “làm ăn” của bà con ngư dân. Do đó, dù thời tiết không thuận lợi nhưng bà con vẫn nỗ lực vươn khơi. Tính từ đầu tháng 12 đến nay, tại cảng cá Cửa Sót đã có hơn 200 lượt tàu, thuyền cập cảng, sản lượng đánh bắt đạt trên 50 tấn, cho nguồn thu hơn 10 tỷ đồng.
Để hoạt động đánh bắt của ngư dân được thuận lợi, Ban Quản lý thường xuyên cử cán bộ đến tận các tàu để kiểm tra các thiết bị, máy móc đảm bảo an toàn mới cho hoạt động; đồng thời, thông tin diễn biến thời tiết trên biển và đất liền thường xuyên để bà con nắm bắt, từ đó khai thác hiệu quả các nguồn lợi hải sản".
Không khí lao động khẩn trương ở bến cá Cẩm Nhượng.
Những ngày này, bến cá Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) cũng nhộn nhịp hẳn lên, hàng chục tàu thuyền của ngư dân tấp nập nối đuôi nhau vào neo đậu chờ bán hải sản. Phía trên bờ, những đợt gió lạnh cũng không cản được sự mong ngóng, chờ đợi của tiểu thương.
Những mẻ hải sản tươi ngon vừa được ngư dân Cẩm Nhượng di chuyển ở các tàu, thuyền lên bờ.
Vừa cập bến sau một đêm đánh bắt, ngư dân Nguyễn Văn Bá (thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng) chia sẻ: “Chuyến biển này, thuyền của tôi đánh bắt được 60kg ghẹ và hơn 50kg cá nục. Trừ các chi phí, tôi thu được 3 triệu đồng sau một đêm đánh bắt. Đây là nguồn thu nhập khá của gia đình trong những ngày cuối năm”. Ông Bá cũng cho hay, từ tháng 11 đến nay, thuyền của ông vẫn ra khơi đều đặn.
Không chỉ riêng ngư dân Nguyễn Văn Bá, hầu hết ngư dân Cẩm Nhượng đều kỳ vọng ngày những chuyến ra khơi cuối năm thu được nhiều “lộc biển”.
Chuyến biển đầy “vị ngọt” của ngư dân Lê Văn Thủy (thôn Chùa, xã Cẩm Nhượng) và các bạn thuyền.
Nhanh tay di chuyển những chiếc giỏ đầy ắp hải sản lên bờ, ngư dân Lê Văn Thủy (thôn Chùa, xã Cẩm Nhượng) phấn khởi chia sẻ: “Thuyền của tôi có 5 thành viên, chuyên đánh bắt ghẹ. Sau 4 ngày vươn khơi, chúng tôi thu về được hơn 1 tấn ghẹ 3 mắt và 1,5 tạ ốc hương, tổng thu nhập được hơn 60 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi lao động cũng được gần 3 triệu đồng/người".
Cũng theo anh Thủy, đi biển mùa này vất vả vì thời tiết rét mướt nhưng được “lộc biển”, anh em ai cũng phấn khởi. Để đảm bảo an toàn cho tất cả thuyền viên thì việc kiểm tra kỹ máy móc trước khi ra khơi là hết sức cần thiết, đồng thời, ngư dân cũng thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo thời tiết để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thời điểm này, bình quân mỗi ngày, cơ sở hải sản Nam Lan ở thôn Hải Nam (xã Cẩm Nhượng) thu mua từ 2 - 3 tấn hải sản.
Theo chia sẻ của các ngư dân, cuối năm là khoảng thời gian giao mùa giữa các vùng thời tiết trên biển nên việc khai thác khá hiệu quả. Thêm vào đó, thời điểm này giá hải sản khá cao, nhờ đó mà thu nhập của bà con cũng “ấm” hơn.
Bà Nguyễn Thị Lan - chủ cơ sở thu mua hải sản Nam Lan ở thôn Hải Nam (xã Cẩm Nhượng) cho biết: "Mặc dù tình hình khai thác cuối năm gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, nhưng bù lại các loại hải sản được giá nên bà con ngư dân rất phấn khởi. Để có đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường tết, thời điểm này, chúng tôi đã chủ động gom hàng. Bình quân mỗi ngày, cơ sở chúng tôi thu mua từ 2 - 3 tấn hải sản, tùy thuộc vào sản lượng đánh bắt của bà con”.
Toàn xã Cẩm Nhượng hiện có 200 tàu, thuyền hoạt động đánh bắt hải sản
Được biết, toàn xã Cẩm Nhượng hiện có 200 tàu, thuyền hoạt động đánh bắt hải sản, trong đó có khoảng 130 tàu, thuyền hoạt động thường xuyên. Từ đầu tháng 12 đến nay, bà con trên địa bàn đã đánh bắt được hơn 32 tấn hải sản các loại, thu về trên 6 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Vươn khơi những ngày cuối năm thường đem về cho ngư dân nguồn thu nhập khá, nhưng bà con thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm do thời tiết.
Do đó, để đảm bảo an toàn cho các chuyến biển, địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân triển khai tu sửa tàu thuyền, kiểm tra lại máy móc, ngư lưới cụ, các trang thiết bị hàng hải; đề nghị các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền tuân thủ nghiêm các quy định như bật thiết bị giám sát hành trình tàu cá, nộp nhật ký khai thác thủy sản, theo dõi thông tin thời tiết hàng ngày… để những chuyến biển trọn niềm vui, nhất là khi tết Nguyên đán đang đến gần".