Nông nghiệp

Anh Cover PC.jpg

Sau 6 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân ở Hà Tĩnh xây dựng nhiều sản phẩm đặc trưng có lợi thế, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, việc giữ vững và nâng hạng các sản phẩm vẫn còn những khó khăn, thách thức.

Unit.png
Title Page (1).jpg

Năm 2020, sản phẩm dầu lạc của cơ sở kinh doanh Tuấn Cúc (tổ dân phố 10, thị trấn Hương Khê) được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đến nay, đã quá thời hạn 36 tháng, chủ cơ sở này không thực hiện đánh giá để sản phẩm được công nhận lại. Bà Kiều Thị Cúc - đại diện cơ sở dầu lạc Tuấn Cúc chia sẻ: “Chúng tôi gặp khó khăn vì thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào. Trước đây, cơ sở chủ yếu sử dụng nguyên liệu lạc được trồng trên địa bàn huyện Hương Khê nhưng nhiều năm trở lại đây, người dân chuyển từ trồng lạc sang trồng ngô, nhiều gia đình sản lượng lạc giảm 60-70%. Việc hoạt động thiếu tính ổn định khiến cơ sở không thể thuê nhân công dài hạn. Chúng tôi đang có kế hoạch chuyển sang sản xuất sản phẩm khác”.

Anh 1.jpg
Cơ sở kinh doanh dầu lạc Tuấn Cúc không thực hiện đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP do không đảm bảo vùng nguyên liệu.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Hương Khê, toàn huyện hiện có 17 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (trước đây là 24 sản phẩm); 7 sản phẩm đã hết hạn công nhận nhưng các chủ thể không thực hiện đánh giá để được công nhận lại. Ông Nguyễn Trí Đồng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Việc đánh giá, xếp hạng lại là điều kiện bắt buộc đối với các sản phẩm OCOP khi đến hạn 36 tháng kể từ ngày được công nhận. UBND huyện Hương Khê đã có công văn chỉ đạo các xã thực hiện khảo sát, hỗ trợ các cơ sở hoàn thiện hồ sơ để đánh giá lại. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ cơ sở có tâm lý e ngại khi phải thực hiện lại quy trình, chờ đợi chính sách hỗ trợ đối với hoạt động đánh giá, công nhận lại sản phẩm… Đối với các sản phẩm đã hết hạn công nhận, không thực hiện đánh giá, công nhận lại, chúng tôi đã có thông báo yêu cầu không sử dụng logo OCOP có gắn sao để in, dán trên bao bì, nhãn mác của sản phẩm”.

Những khó khăn mà các chủ thể sản xuất ở Hương Khê đang đối mặt cũng là khó khăn chung của nhiều cơ sở OCOP trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, lũy kế đến nay, toàn tỉnh thực hiện đánh giá công nhận 343 sản phẩm, trong đó 247 sản phẩm có hiệu lực chứng nhận OCOP (7 sản phẩm 4 sao và 240 sản phẩm 3 sao). Như vậy, còn 96 sản phẩm có chứng nhận đã hết hiệu lực chưa thực hiện đánh giá, công nhận lại, chiếm gần 28% tổng số các sản phẩm được đưa ra đánh giá. Nguyên nhân chủ yếu được các cơ quan chuyên môn phân tích là do một số sản phẩm OCOP có quy mô nhỏ, khó mở rộng sản xuất; năng lực của một số chủ cơ sở còn hạn chế, việc tiếp cận và mở rộng thị trường gặp khó khăn. Bên cạnh đó là tâm lý e dè, ngại thực hiện hồ sơ, thủ tục để được đánh giá, công nhận lại; chờ đợi chính sách hỗ trợ như đánh giá lần đầu…

44.jpg
Cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Phong Nga (xã Thạch Đài, Thạch Hà) đang đầu tư mở rộng sản xuất để nâng hạng sản phẩm cu đơ đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Ngoài ra, thời gian qua, do tác động chung của nền kinh tế thế giới, sự “xuống sức” của thị trường tiêu thụ… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nội địa. Đặc biệt, một số sản phẩm gặp khó khăn vì thiếu nguồn nguyên liệu do nhiều địa phương chưa xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững. Những khó khăn này trở thành lực cản sự phát triển bền vững của sản phẩm OCOP, kể cả quá trình nâng hạng sao OCOP. Ông Nguyễn Văn Phong - chủ cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Phong Nga (xã Thạch Đài, Thạch Hà) cho biết: “Một trong những tiêu chí của các sản phẩm OCOP 4 sao là mở rộng quy mô sản xuất theo quy định, 2 năm liền kề tăng trưởng dương. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, sức tiêu thụ của thị trường chưa phục hồi đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cơ sở”.

Với HTX Thu mua và Chế biến thủy hải sản Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh), một trong những chủ thể kỳ vọng có sản phẩm được nâng hạng sao OCOP cũng thừa nhận còn nhiều tiêu chí khó. “Để nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao, sản phẩm phải đáp ứng tiêu chí xuất khẩu, có chứng nhận quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường đích. Hiện nay, do hạn chế về nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, máy móc và nhân sự am hiểu thị trường nên cơ sở vẫn chưa thực hiện được”, bà Nguyễn Thị Miện - Giám đốc HTX Thu mua và Chế biến thủy hải sản Kỳ Phú cho hay.

Ảnh 3.1 mm.jpg
Ảnh 3.2 mm. JPG.jpg
Sở Công thương đồng hành cùng các chủ thể OCOP tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Theo Sở Công thương, trung bình mỗi năm, đơn vị phối hợp tổ chức 1-2 lễ hội xúc tiến sản phẩm nông thôn tiêu biểu, trên 40 hội chợ, làm việc với chuỗi siêu thị, các sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm OCOP ra thị trường. Đến nay, phần lớn sản phẩm được bán trên các sàn thương mại điện tử và có hơn 80 sản phẩm OCOP Hà Tĩnh được xuất khẩu như: nước mắm, cu đơ, bánh ram… Tuy nhiên, việc giữ chuẩn, nâng hạng sao OCOP vẫn còn những rào cản do khó khăn trong tiếp cận thị trường, nhất là thị trường quốc tế.

Ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công thương chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất khi xuất khẩu các sản phẩm OCOP là quy mô của nhiều cơ sở khá nhỏ, việc xuất khẩu chỉ là tiểu ngạch, nhỏ lẻ, chưa thể đáp ứng đơn hàng lớn. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu yêu cầu nhiều tiêu chuẩn khắt khe, đặc biệt là về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), cơ sở vật chất, điều kiện đáp ứng… Hiện nay, cần có sự liên kết vùng nguyên liệu, liên kết các chủ thể để tạo sản phẩm hàng hóa, đáp ứng các đơn hàng lớn”.

Title Page.jpg

Chương trình OCOP nhằm phát triển sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương, khai thác lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở phát huy nội lực như: nguồn lao động, văn hóa địa phương, trí tuệ, sự sáng tạo... Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình - phụ trách bộ phận OCOP (Văn phòng Điều phối NTM tỉnh), việc đánh giá, công nhận lại và nâng hạng sao OCOP được thực hiện theo đúng quy trình, kèm theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Các chủ thể OCOP cần nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư sản phẩm, từ mẫu mã, bao bì, đến quảng bá, nâng cao chất lượng, tuân thủ các điều kiện về VSATTP, bảo vệ môi trường... Các cấp chính quyền, từ cấp xã, cần thường xuyên sát sao, kiểm tra, kiểm soát để các cơ sở sản xuất đúng quy trình, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ảnh 4 (2).jpg
Các chủ thể OCOP cần chú trọng vào việc chăm chút trên từng sản phẩm.

Được biết, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương hỗ trợ cơ sở tháo gỡ khó khăn để các chủ thể OCOP thực hiện đánh giá, hoàn thành hồ sơ công nhận lại sản phẩm đạt chuẩn. Theo đó, trên nền tảng hồ sơ cũ, chủ thể bổ sung các giấy tờ có tính thời hạn; giấy kiểm định VSATTP. Về giải pháp bền vững, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở: Tài chính, NN&PTNT, Công thương, KH&CN thực hiện hỗ trợ chính sách theo Nghị quyết 51/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2022-2025; đồng hành với các địa phương và các chủ thể định hướng, hỗ trợ để xây dựng ý tưởng; tập huấn, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm nhằm đảm bảo bộ sản phẩm OCOP Hà Tĩnh chất lượng, đúng mục tiêu chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Sở Công thương đẩy mạnh kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP trên 3 sàn thương mại điện tử (Sở Công thương, Sở TT&TT và huyện Kỳ Anh); phối hợp với các đại sứ quán, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT hỗ trợ các chủ thể về thông tin thị trường xuất khẩu, hoàn thiện điều kiện tiêu chuẩn để đưa các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Hà Tĩnh xuất khẩu.

Thực tế cho thấy, giải pháp từ thị trường có vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các chủ thể. Bà Trần Thị Liễu - hộ SXKD ở xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) cho biết: “Từ khi được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm mực khô, tôm nõn Liễu Phượng được bán tại nhiều đại lý trên toàn quốc. Cao điểm tại Hội chợ xúc tiến thương mại phía Bắc diễn ra vào tháng 5/2024, chúng tôi đạt doanh thu hơn 100 triệu đồng trong 2 ngày mở bán”. Tuy nhiên, theo các đơn vị chuyên môn, các cơ sở OCOP cần tăng cường gắn kết giữa các chủ thể, giữa chủ thể với các đơn vị quản lý nhằm tạo ra những chuỗi giá trị OCOP lớn. Từ đó, có thể nâng cao năng lực quản trị, điều hành, sự tiếp cận thị trường, vừa tạo kinh nghiệm, góp phần tháo gỡ khó khăn, từng bước đưa các sản phẩm nông thôn nâng tầm và vươn xa.

Anh 5.jpg
Mực khô, tôm nõn Liễu Phượng tiếp cận đông đảo khách hàng qua các hội chợ xúc tiến thương mại.

Tại huyện Kỳ Anh, với việc quy hoạch các vùng chuyên canh hàng hóa lớn theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp, năm 2023, huyện đã có thương hiệu gạo hữu cơ Kỳ Phú; có vùng nguyên liệu hàng nghìn ha cung cấp cho các cơ sở OCOP sản xuất bún, bánh. Kỳ Anh cũng là địa phương duy nhất đã có kênh thương mại điện tử riêng để vận hành chuỗi cung ứng nông sản sạch ra thị trường; thực hiện truy xuất nguồn gốc 100% sản phẩm nông nghiệp, tích hợp thông tin với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh, tạo sự chuẩn hóa, nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP.

Với TP Hà Tĩnh, địa phương đã ban hành hàng loạt cơ chế chính sách như: các nghị quyết về hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý Nhà nước về đất đai, cơ chế hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; những cơ chế riêng về chuyển đổi số, xây dựng các mô hình, dự án mục tiêu trọng tâm, các mô hình/dự án thí điểm; hỗ trợ kết nối thị trường tiêu thụ; phát triển nguồn nhân lực; ngành nghề nông thôn; tập trung, tích tụ đất đai..., trở thành trợ lực phát triển sản xuất nông nghiệp và mô hình sản phẩm OCOP. Từ một địa phương khiêm tốn về số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP, đến nay, thành phố đã có “bộ sưu tập” với 23 sản phẩm OCOP 3 sao. Đáng nói, các sản phẩm không chỉ đạt chuẩn về chất lượng, mẫu mã, thị hiếu mà còn có tính đặc trưng vùng miền cao như: trà sen Hào Thành; nem chua, giò bì ở phường Đại Nài; giò bò da ở phường Thạch Quý; gạo bún bánh ở các xã Thạch Bình, Thạch Hạ…

Anh 6.jpg
TP Hà Tĩnh tổ chức đánh giá, phân hạng OCOP đầu tháng 7/2024.

Những minh chứng trên cho thấy, sự chung tay của các ngành chuyên môn, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương sẽ là “bệ đỡ” để chương trình OCOP phát triển bền vững. Song, quan trọng hơn trong hành trình giữ và phát triển chất lượng sản phẩm OCOP đã gắn sao vẫn chính là chủ thể sản xuất.

Bà Lê Thị Bình - chủ cơ sở chế biến thực phẩm Bình Sơn (Hương Sơn) cho biết: “Năm 2019, sản phẩm nem chua Ý Bình được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, đến năm 2022, cơ sở tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và được công nhận lại. Sau 2 năm, khi chứng nhận OCOP đối với sản phẩm cũ vẫn còn hạn thì cơ sở đã xây dựng thêm “giò lụa Bình Sơn” đạt chuẩn 3 sao. Được “gắn sao” OCOP, doanh thu của đơn vị tăng lên đáng kể, đạt mức 3-3,5 tỷ đồng/năm. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng từ 1-2 năm có thêm 1 sản phẩm OCOP”.

Anh 7.jpg
Sản phẩm giò lụa Bình Sơn là sản phẩm OCOP 3 sao thứ 2 của cơ sở chế biến thực phẩm Bình Sơn.

Câu chuyện về gạo Ngọc Mầm (Công ty TNHH KC Hà Tĩnh) là một điển hình về sự đột phá của nông sản Hà Tĩnh. Năm 2019, doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình OCOP với sản phẩm gạo Ngọc Mầm và đạt chuẩn 4 sao ngay từ lần đánh giá đầu tiên. Có “tấm vé thông hành” uy tín, đơn vị không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng bao bì, mẫu mã, mở rộng vùng nguyên liệu… để vượt qua chính mình. Đến nay, công ty đã có vùng nguyên liệu rộng lớn hàng nghìn ha, trải dài từ Hà Tĩnh đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ; mỗi năm xuất khẩu hàng chục nghìn tấn gạo đi các nước châu Á, Đông Nam Á, châu Phi và một số nước châu Âu.

333.jpg
222.jpg
Gạo Ngọc Mầm đã tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại quốc tế, đưa thương hiệu nông sản Hà Tĩnh "vươn" ra biển lớn.
3 mmm.jpg
Ông Nguyễn Khánh Tùng (thứ 3 từ phải qua trái) - Giám đốc Công ty TNHH KC Hà Tĩnh trong một cuộc làm việc, kết nối xuất khẩu gạo và các sản phẩm nông nghiệp.

Tất nhiên, sản phẩm OCOP cũng như các sản phẩm hàng hóa khác mang bản chất thị trường và luôn bị chi phối từ tác động khách quan này. Chủ thể hoàn toàn có thể lựa chọn đi tiếp hành trình giữ chuẩn, nâng sao hoặc có thể dừng lại, thay thế sản phẩm khi nó không đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì thế, việc lựa chọn sản phẩm của các chủ thể phải được căn ke từ ý tưởng, xây dựng lộ trình phát triển để không rơi vào cảnh… “đứt gánh giữa đường”.

Nhìn rộng ra, chương trình OCOP là cốt lõi của kinh tế nông thôn, không chỉ nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm, các yếu tố về môi trường sinh thái… mà còn góp phần quan trọng trong hành trình thực hiện mục tiêu tỉnh NTM. Vì thế, chương trình vẫn cần sự quan tâm hơn nữa về cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách đặc thù để đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn để đáp ứng nhu cầu của thị trường… Bên cạnh đó, cần tập trung cao cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn để doanh nghiệp, HTX, người dân chủ động nâng cao năng lực quản lý; tiếp cận tốt các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để duy trì, nâng hạng sao các sản phẩm đã được xếp hạng.

Anh 8. 1.jpg
Anh 8. 2.jpg
Cần xây dựng lộ trình phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng bền vững.

Ông Dương Trường Giang - Trưởng phòng Nghiệp vụ - Điều phối (Văn phòng Điều phối NTM tỉnh):

Việc đánh giá, công nhận lại và nâng hạng sao OCOP nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm qua từng giai đoạn

“Gắn sao” OCOP là minh chứng về chất lượng các sản phẩm nông thôn tiêu biểu; khẳng định sự tích cực, sáng tạo trong hoạt động sản xuất của các chủ thể; giúp sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Việc đánh giá, công nhận lại và nâng hạng sao OCOP nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm qua từng giai đoạn và yếu tố bền vững. Do đó, ngay từ đầu, các chủ thể cần xác định rõ mục đích tham gia chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp nông thôn, thay đổi tư duy sản xuất để tiếp cận đông đảo khách hàng, xây dựng niềm tin và tạo động lực phát triển kinh tế. Điều này cần thực hiện chuẩn chỉ từ công tác tuyên truyền, lựa chọn sản phẩm tham gia OCOP ở cấp cơ sở; tránh tình trạng tham gia với mục đích nhận cơ chế, điều đó sẽ không bền vững, không đúng với mục tiêu của chương trình và sẽ gặp khó khăn, vướng mắc khó tháo gỡ.

Ông Trần Hữu Đức - Trưởng ban Kinh tế - Xã hội (Hội Nông dân tỉnh):

OCOP tạo sự chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy sản xuất của người nông dân

Chương trình OCOP đã tạo bước chuyển mình đầy tích cực trong tư duy sản xuất của người nông dân. Đây cũng là hướng đi góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững, tạo phong trào thi đua làm kinh tế giỏi ở các hội viên trên toàn tỉnh. Hội Nông dân tỉnh hiện có 23 chuỗi cửa hàng hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thi đua sản xuất giỏi, xây dựng các mô hình kinh tế theo chuỗi giá trị, mô hình khởi nghiệp. Cùng đó, phối hợp với các cấp, ngành tổ chức các đợt tập huấn, hội thảo, chuyển giao KHKT, nhất là các ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ; hướng dẫn bà con tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nhất là phát triển sản phẩm OCOP…

Bà Phạm Thị Hiệp Định - Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh:

Sẵn sàng trở thành “cầu nối” đưa sản phẩm OCOP đến đông đảo khách hàng

Hệ thống siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh liên kết với nhiều chủ thể OCOP để đưa các sản phẩm “lên kệ” như: giò lụa Bình Sơn, nem chua Ý Bình, kẹo cu đơ Phong Nga… Thực tế, tại Co.opmart Hà Tĩnh ghi nhận sự ưa chuộng của đông đảo khách hàng đối với các sản phẩm nông sản sạch, doanh thu từ các sản phẩm này luôn ở mức ổn định, thậm chí nhiều thời điểm tăng trưởng khá. Siêu thị chúng tôi luôn sẵn sàng trở thành “cầu nối” giữa khách hàng và các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Bằng những sản phẩm chất lượng tốt, được xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác, chứng minh về nguồn gốc…, các doanh nghiệp bán lẻ luôn sẵn sàng đồng hành cùng người nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

BÀI, ẢNH: NHÓM PV KINH TẾ

THIẾT KẾ: KHÔI NGUYỄN

Chủ đề Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Đọc thêm

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.
Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bằng những việc làm cụ thể, cán bộ và Nhân dân xã Sơn Giang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã, đang chung sức, đồng lòng “vẽ” nên bức tranh nông thôn mới đa sắc, kinh tế phát triển, làng quê bình yên...
Giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh

Giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh

Căn cứ theo các quy định, xét đề nghị của Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh và Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh.
Mật ong OCOP Thức Dung - ngọt từ thiên nhiên

Mật ong OCOP Thức Dung - ngọt từ thiên nhiên

Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, mật ong Thức Dung (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.