WHO đặt tên mới cho các chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 12/8, WHO cho biết quyết định trên nhằm tránh bất cứ hàm ý xúc phạm văn hóa hoặc xã hội nào liên quan dịch bệnh đang bùng phát trên thế giới này.

WHO đặt tên mới cho các chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ

Các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. (Ảnh: REUTERS/TTXVN)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt lại tên các chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ đang lưu hành hiện nay, theo đó sử dụng chữ số La mã thay vì khu vực địa lý.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 12/8, WHO cho biết quyết định trên nhằm tránh bất cứ hàm ý xúc phạm văn hóa hoặc xã hội nào liên quan dịch bệnh đang bùng phát trên thế giới này.

Một nhóm chuyên gia trên toàn cầu do WHO triệu tập đã quyết định các tên mới. Theo đó, chủng virus trước đây được gọi là chủng Congo Basin gây bệnh đậu mùa khỉ đặc hữu ở Trung Phi nay gọi là Chủng I (Clade I), trong khi chủng virus trước đây gọi là chủng Tây Phi nay gọi là Chủng II (Clade II).

Chủng II gồm 2 dòng phụ được gọi là Chủng IIa và Chủng IIb, trong đó Chủng IIb là nhóm biến thể chính lưu hành trong đợt bùng phát năm 2022.

WHO khuyến nghị các nước cần sử dụng ngay các tên gọi mới này. WHO nêu rõ các virus mới được xác định, các bệnh liên quan và các biến thể virus phải được đặt tên phù hợp để tránh xúc phạm bất cứ cộng đồng văn hóa, xã hội, quốc gia, khu vực, nghề nghiệp hoặc dân tộc nào, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với thương mại, du lịch.

Virus đậu mùa khỉ được đặt tên sau khi các chuyên gia Đan Mạch phát hiện virus này ở loài khỉ macaques năm 1958.

Tuy nhiên, nguồn phát tán virus đầu tiên được cho là không phải loài khỉ. Hiện WHO cũng đang tổ chức một diễn đàn công khai để đặt lại tên căn bệnh này.

Ngày 23/7 vừa qua, WHO đã tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu - cấp độ cảnh báo cao nhất đối với một đợt bùng phát dịch bệnh.

Theo báo cáo của WHO, tính đến ngày 9/8, bệnh đậu mùa khỉ đã lan tới 89 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới, với 27.814 ca mắc bệnh và 11 trường hợp tử vong.

Châu Âu và châu Mỹ là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong bối cảnh nguồn cung vaccine hạn chế trên toàn cầu, các nhà chức trách đang chạy đua để ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ trước khi căn bệnh này bùng phát thành đại dịch.

Theo Thanh Phương (Vietnam+)

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.