WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

Ngày 15/8, WHO tuyên bố đợt dịch đậu mùa khỉ ở các nước châu Phi hiện nay là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng (PHEIC).

Tuyên bố của tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được đưa ra theo lời khuyên của Ủy ban Y tế Khẩn cấp (IHR), gồm các chuyên gia độc lập. Nhóm này đã họp vào đầu ngày để xem xét dữ liệu từ WHO và những nước bị ảnh hưởng. Ủy ban cho rằng đậu mùa khỉ có khả năng lan rộng hơn nữa trên khắp các quốc gia châu Phi, có thể ra ngoài lục địa.

"Sự xuất hiện và lây lan của chủng đậu mùa khỉ mới ở miền đông Congo cũng như các nước lân cận rất đáng lo ngại. Chúng ta cần có phản ứng quốc tế để ngăn chặn dịch lây lan và cứu sống mọi người", ông nói.

PHEIC được WHO định nghĩa như một "sự kiện bất thường", "tạo thành mối nguy hại đến sức khỏe cho các quốc gia thông qua sự lây lan của bệnh tật quốc tế", yêu cầu "phản ứng phối hợp" từ nhiều nước. Tuyên bố về trường hợp khẩn cấp toàn cầu của WHO nhằm báo hiệu nguy cơ lớn về y tế, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều nước để ngăn chặn dịch bệnh lây lan xa hơn. Động thái này cũng có thể khiến các quốc gia thành viên đầu tư thêm nguồn lực vào việc kiểm soát đợt bùng phát trước mắt, bổ sung kinh phí nhằm chia sẻ vaccine, phương pháp điều trị.

Từ 2019, cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đã hai lần đưa ra tuyên bố PHEIC, lần lượt với đại dịch Covid-19 và dịch đậu mùa khỉ (2022).

Vaccine đậu mùa khỉ, tháng 8/2022. Ảnh: MediaNews Group
Vaccine đậu mùa khỉ, tháng 8/2022. Ảnh: MediaNews Group

Đợt bùng phát ở Congo vào tháng 9 năm ngoái bắt nguồn từ chủng đậu mùa khỉ đặc hữu, được gọi là Clade I. Tuy nhiên, biến chủng mới gọi là Clade Ib, hiện lây lan dễ dàng hơn thông qua tiếp xúc gần gũi, thường xuyên, đặc biệt là ở trẻ em.

Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi cho biết 10 quốc gia ở châu lục này đã ghi nhận ca nhiễm đậu mùa khỉ. Trong đó, Cộng hòa Dân chủ Congo chiếm hơn 96% tổng số ca bệnh. Số ca tăng 160% trong năm nay, số trường hợp tử vong tăng 19%. Bệnh đặc biệt phổ biến ở người trẻ tuổi.

WHO từng tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu năm 2022, sau khi bệnh lây lan sang hơn 70 quốc gia. Các nước phát triển đã có vaccine hiệu quả ngăn ngừa căn bệnh, nhưng những nước thu nhập thấp không thể tiếp cận nguồn cung một cách đầy đủ, khiến căn bệnh khó được xóa bỏ hoàn toàn. Tình trạng khẩn cấp đã được gỡ bỏ vào tháng 5/2022.

Trong ba năm 2021-2023, thế giới ghi nhận 92.000 ca nhiễm và 167 trường hợp tử vong vì căn bệnh này, chủ yếu liên quan người nam quan hệ tình dục đồng giới và người có nhiều bạn tình.

Việt Nam phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên vào tháng 10/2022. Bộ Y tế ghi nhận hơn 68 ca đậu mùa khỉ, 6 người tử vong, phần lớn bệnh nhân tiền sử nhiễm HIV. Từ đó đến nay các địa phương vẫn rải rác ghi nhận người mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Đậu mùa khỉ là bệnh do virus, lây lan qua tiếp xúc gần, với các triệu chứng giống cúm và nốt mụn chứa đầy mủ. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, song có thể diễn tiến nặng dẫn đến tử vong. Người suy giảm miễn dịch, trẻ em, phụ nữ mang thai, người già có nguy cơ chuyển nặng khi nhiễm virus này.

vnexpress.net

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.