Về Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến nay, Hà Tĩnh có 82 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2013 – 2015; bình quân mỗi xã đạt 13,2 tiêu chí, không còn nhóm xã dưới 5 tiêu chí. 100% xã đạt chuẩn nhóm tiêu chí quy hoạch.
Với quan điểm “thực chất, bền vững, không chạy đua theo thành tích”, BCĐ tỉnh đã quán triệt việc xây dựng NTM phải cân đối nguồn lực khả thi, không để nợ đọng xây dựng cơ bản; đối với xã đạt chuẩn 100% tiêu chí nhưng sẽ không công nhận đạt chuẩn nếu có nợ đọng. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 6.639 tỷ đồng.
Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Trần Huy Oánh báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xây dựng NTM tỉnh trong thời gian qua.
Đặc biệt, Hà Tĩnh đang tổ chức đoàn kiểm tra các tiêu chí đối với nhóm xã đã đạt chuẩn, trường hợp xã rớt tiêu chí sẽ bị thu bằng công nhận đạt chuẩn. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, bình quân đạt 16,5 tiêu chí/xã, không còn xã dưới dưới 15 tiêu chí, có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn, ít nhất 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 2-3 huyện đạt chuẩn NTM.
Phó Giám đốc Sở LĐ&TBXH Nguyễn Xuân Thông: Nên bãi bõ dần những chính sách nhỏ lẻ, manh mún, không mang lại nhiều hiệu quả.
Đối với Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện như: Chỉ đạo cấp thẻ BHYT cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ sống ở vùng khó khăn bãi ngang ven biển, hộ có thu nhập trung bình; rà soát huyện nghèo, xã nghèo miền núi; thực hiện đẩy đủ các chế độ chính sách về hỗ trợ sản xuất, học nghề, việc làm, xuất khẩu lao động…
Đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 10,46%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 8,39%; còn 6 xã đặc biệt khó khăn, 2 huyện nghèo. Tổng kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo đạt hơn 307.506 triệu đồng. Tỉnh phấn đấu đến 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4,5%.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó vụ Trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính: Mong muốn tỉnh quan tâm, điều chỉnh chế độ cho cán bộ phụ trách hệ thống truyền thanh cơ sở.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng, bộ mặt nông thôn Hà Tĩnh thời gian qua khởi sắc là nhờ tỉnh đã có rất nhiều chính sách nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp; áp dụng các tiến bộ KHKT mới nhất vào sản xuất để mang lại hiệu quả cao. Dẫu trong điều kiện khó khăn, tỉnh vẫn luôn có những nguồn đầu tư lớn vào nông nghiệp, nông thôn.
"Những năm trước đây, tỉnh đã chi rất nhiều ngân sách Nhà nước để đầu tư nên phong trào phát triển rầm rộ, nhiều công trình cơ sở hạ tầng cơ bản ở nông thôn được xây dựng. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, do nguồn lực hạn chế nên tỉnh xác định phải thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách, huy động nguồn lực từ nhân dân; tăng tính tự chủ cho cấp xã, thôn. Việc xây dựng khu dân cư kiểu mẫu nhận được sự đồng thuận rất lớn của người dân có thể cho thấy, xây dựng NTM từ người dân là hướng đi đúng đắn", Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị cần tiếp tục ưu tiên nguồn ngân sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, phải nghiên cứu cơ chế đúng với điều kiện thực tế để phát huy hiệu quả các nguồn lực.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện các Chương trình MTQG của Hà Tĩnh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, Hà Tĩnh đã quan tâm, ưu tiên đặc biệt cho các chương trình; ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, phát huy hiệu quả cao. Các cấp từ tỉnh đến xã đều đã có ban chỉ đạo thực hiện, kiểm tra giám sát chặt chẽ, kịp thời khắc phục khó khăn, hạn chế. Trong xây dựng NTM, địa phương đã chú trọng xã hội hóa, huy động sức dân. Nhờ đó, nhiều địa phương có xuất phát điểm thấp, nhiều khó khăn nhưng nay đã vươn tầm, phát triển kinh tế mạnh mẽ. Đặc biệt, trong chỉ đạo điều hành, Hà Tĩnh đã đưa ra tiêu chí thứ 20, thể hiện tinh thần quyết tâm của địa phương. Tỉnh cũng đã có sự lồng ghép các chương trình hợp lý, khoa học.
Các thành viên đoàn rất ấn tượng với hạ tầng giao thông của địa phương, cũng như các thiết chế văn hóa thôn, hàng rào cây xanh thân thiện với môi trường. Đối với các kiến nghị của địa phương, đoàn sẽ tổng hợp lại, báo cáo Ban chỉ đạo, Chính phủ và có đề xuất chính thức với các Bộ, ngành Trung ương.