Đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn chủ trì buổi làm việc
Dự hội nghị, về phía trung ương có Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Hải Ninh
Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
Hà Tĩnh chú trọng công tác xây dựng Đảng, duy trì tăng trưởng kinh tế cao
Báo cáo kết quả tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng thông tin: Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội, từ sau sự cố môi trường biển đến nay, kinh tế Hà Tĩnh đã phục hồi, duy trì tăng trưởng cao và chuyển dịch đúng hướng. Từ tăng trưởng kinh tế -14,58% vào năm 2016, đến năm 2019 ước đạt 10,99%. GRDP giá hiện hành năm 2019 ước đạt 80.159 tỷ đồng (gấp 1,44 lần quy mô GRDP năm 2015).
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng báo cáo kết quả sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII
Hà Tĩnh hiện có trên 7.500 doanh nghiệp, gần 6 vạn hộ kinh doanh, thu hút trên 1.300 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đăng ký trên 370.000 tỷ đồng.
Đến nay, Hà Tĩnh có 173 xã và 2 huyện đạt chuẩn NTM; 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; TP Hà Tĩnh hoàn thành xây dựng NTM; 2 đơn vị cấp huyện có 100% số xã đạt chuẩn NTM; 9 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP.
Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính: Hà Tĩnh cần tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt đưa chương trình xây dựng NTM tiếp tục đi vào chiều sâu hơn nữa, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt kết quả tốt; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống nhân dân tiếp tục được hoàn thiện; công tác cải cách hành chính được thực hiện đồng bộ trên nhiều nội dung; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát: Để góp phần tăng trưởng kinh tế, Hà Tĩnh cần tiếp tục nỗ lực phát triển nông nghiệp thông qua chuyển dịch cơ cấu; đồng thời quan tâm thu hút đầu tư tư nhân. Cùng với đó, coi công tác xây dựng Đảng là then chốt.
Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Hà Tĩnh đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và quán triệt, học tập, tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị. Công tác tổ chức cán bộ, đảng viên; công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; công tác dân vận; công tác nội chính, phòng và chống tham những được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định.
Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Hải Ninh: Trong thẩm quyền của mình, tỉnh cần chủ động quan tâm giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư thuộc diện các xã sáp nhập
Đặc biệt, trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, Hà Tĩnh đã thực hiện một số nội dung nổi bật. Ngoài tinh giản bộ máy đối với cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, thôn, tổ dân phố và các tổ chức hội; tỉnh đã quyết liệt trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Năm 2019, tỉnh có 80 xã thực hiện sắp xếp với 2.321 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách; sau sắp xếp, toàn tỉnh giảm 46 xã, hình thành 34 xã mới.
Chủ động công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp
Chuẩn bị đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hà Tĩnh đã chủ động quán triệt, triển khai kịp thời các văn bản Trung ương; đồng thời ban hành kế hoạch của tỉnh; thành lập các tiểu ban đại hội và tổ giúp việc.
Đến nay, phương hướng công tác nhân sự, kế hoạch triển khai lựa chọn nhân sự dự kiến giới thiệu tham gia cấp ủy tỉnh đã được xây dựng; công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng; phát động và tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua...
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Thế Dũng: Mong muốn Trung ương sớm có hướng dẫn về xây dựng văn kiện đại hội ở các xã thực hiện sáp nhập
Hiện, Tiểu ban Văn kiện đã xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị lần 1 Đại hội Đảng bộ tỉnh. Văn kiện xác định mục tiêu tổng quát: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đoàn kết, sức mạnh văn hóa, tiềm năng, khát vọng của con người Hà Tĩnh;
Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo; giữ vững QPAN để phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp, hiện đại, phấn đấu đến năm 2025, GRDP bằng bình quân cả nước và đến năm 2030 Hà Tĩnh trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Mong muốn Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa nội dung về dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê vào chương trình làm việc năm 2020 để xem xét cho dừng triển khai dự án
Dự thảo Báo cáo chính trị cũng xác định 3 khâu đột phá, 5 chương trình trọng điểm và 7 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Hà Tĩnh bản lĩnh, vững vàng vượt qua khó khăn
Chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khẳng định: Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã quyết tâm, bản lĩnh vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng của đại hội, đạt được kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng đề nghị thời gian tới, tỉnh cần rà soát lại quy hoạch phát triển KT-XH để tiếp tục có định hướng đầu tư. Trong phát triển kinh tế cần quan tâm đảm bảo yếu tố môi trường; có biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, thu hút được các nguồn lực; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Cùng với đó, Hà Tĩnh cần tập trung tối đa nguồn lực, sớm hoàn thành công tác sáp nhập các đơn vị hành chính, đây cũng chính là tiền đề quan trọng để tiến tới đại hội Đảng các cấp
Trong công tác chuẩn bị đại hội Đảng, cần phát huy dân chủ, mở rộng tiếp thu ý kiến đóng góp từ các tầng lớp nhân dân nhằm xây dựng văn kiện đại hội hoàn thiện nhất; xây dựng phương hướng nhân sự chặt chẽ, đúng quy định, giữ vững nguyên tắc “vì dân, vì nước” để có đội ngũ chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
“Với những kết quả đã đạt được, vai trò lãnh đạo của Đảng và trí tuệ con người Hà Tĩnh, tin tưởng rằng thời gian tới, tỉnh tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa; góp phần xây dựng Hà Tĩnh là tỉnh đứng đầu khu vực Bắc miền Trung” - Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng kỳ vọng.
Phát biểu tại buổi làm việc, bày tỏ lòng cảm kích trước sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và các đồng chí trong đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định: Hà Tĩnh sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của đại biểu và cụ thể hóa vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Bí thư Tỉnh ủy mong muốn tỉnh tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Trung ương; trước hết, xin ý kiến của các đồng chí tiếp tục đóng góp ý kiến về dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Tại buổi làm việc, đại biểu đã phân tích, làm rõ những kết quả nổi bật của tỉnh trong những năm gần đây, đặc biệt chỉ ra nguyên nhân của những vấn đề còn tồn tại và các bài học kinh nghiệm. Đại biểu cho rằng, yếu tố quan trọng nhất đó là phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; sự chủ động, mạnh dạn, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nỗ lực huy động xã hội hóa nguồn lực, thu hút đầu tư... Đại biểu đề xuất, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa nội dung về dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê vào chương trình làm việc năm 2020 để xem xét cho dừng triển khai dự án; cho ý kiến định hướng phát triển Khu kinh tế Vũng Áng, đặc biệt là chiến lược phát triển giai đoạn 2 Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tỉnh trên các lĩnh vực, trọng tâm là xử lý các tồn đọng về kinh tế, xã hội và tiềm ẩn về an ninh trật tự trên địa bàn... Đồng thời, tiếp tục quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; cho ý kiến định hướng về dự thảo Báo cáo chính trị; sớm có hướng dẫn về xây dựng văn kiện đại hội ở các xã thực hiện sáp nhập... |