Cả tuyến mương như một đại công trường
Ông Phan Văn Luận - Trưởng tiểu ban Xây dựng NTM xã Sơn Hàm cho biết, để hoàn thành được hệ thống kênh mương dài 1,2 km trên trục đường chính, người dân không chỉ bỏ công xây dựng mà còn có tới 33 hộ dân hiến đất xây dựng công trình. Điển hình là hộ bà Trần Thị Huệ hiến 300m2 đất (dài 100m, rộng 3m) để mở đường và xây dựng kênh mương.
Kênh mương đi qua phần đất của gia đình nào thì gia đình ấy tự bỏ công xây dựng
Khi hệ thống kênh mương đã được thiết kế, mọi thứ được tính toán kỹ, chính quyền xã Sơn Hàm sẽ cung cấp vật liệu (gạch, xi măng, cát sỏi) để người dân “đồng khởi” cùng làm. Kênh mương đi qua phần đất của gia đình nào thì gia đình ấy tự bỏ công làm lấy.
“Kênh mương này là công trình của Nhà nước, nhưng khi xây dựng chúng tôi xem đó là công trình của nhà mình nên huy động mọi thành viên trong nhà đều tham gia. Cả một hệ thống kênh mương khá dài nhưng nhà ai cũng tự giác làm nên mới triển khai được mấy ngày nhưng cơ bản đã hoàn thành”, một người dân cho hay.
Đối với những hộ già cả, neo đơn, những đoạn mương đi qua phần đất của gia đình họ đã được làng xóm hỗ trợ bằng cách cắt cử người tham gia xây giúp.
Ông Hồ Huy Hùng nói vui: Sau khi hoàn thành tuyến kênh mương thì cả xóm, mỗi người dân đều trở thành những thợ xây chính hiệu.
Dù hệ thống kênh mương khá dài, đi qua nhiều hộ dân, lại không phải do một tốp thợ lành nghề đảm nhiệm, nhưng do được thống nhất trước, có thiết kế và giám sát chung nên công trình đều đảm bảo đúng yêu cầu.
Không chỉ hiến đất, tự bỏ công xây dựng kênh mương thoát nước, các hộ dân còn ra sức xây dựng hệ thống tường rào, chỉnh trang khuôn viên vườn tược để chuẩn bị đón xã về đích NTM.
Tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của người dân, xã Sơn Hàm sẽ đạt được những mục tiêu đã đề ra.