Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu chủ trì buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện Sở TN&MT đã trình bày các vấn đề về bảng giá đất năm 2020; cập nhật, chỉnh lý biến động bản đồ và hồ sơ địa chính giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo; danh mục công trình, dự án thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng năm 2020; sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 79/NQ – HĐND về một số chính sách bảo vệ môi trường giai đoạn 2018 – 2020.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Phan Lam Sơn: Qua rà soát, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 79/NQ – HĐND trong thời gian qua cho thấy còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc
Thực hiện Nghị quyết số 79/2017/NQ – HĐND ngày 13/12/2017 của HĐND tỉnh về một số chính sách bảo vệ môi trường giai đoạn 2018 – 2020, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo một số sở ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã tích cực triển khai các chính sách, bước đầu đã góp phần hỗ trợ cho công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là góp phần nâng cao công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Cao Sâm: Thực tế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương đã làm cho đất đai biến động thường xuyên, đặc biệt các biến động do nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phát triển hạ tầng đô thị và xây dựng nông thôn mới…
Đối với đề án cập nhật, chỉnh lý biến động bản đồ và hồ sơ địa chính giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo, tới thời điểm này, ngành TM&MT Hà Tĩnh đã hoàn thành đo vẽ bản đồ địa chính cho 243 xã, phường, thị trấn thuộc 13 huyện, thành phố, thị xã với tổng diện tích 205.827ha; cấp đổi 419.325 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 96,6% nhu cầu.
Việc cập nhật, chỉnh lý biến động bản đồ và hồ sơ địa chính sẽ giúp xây dựng hồ sơ địa chính phục vụ công tác quản lý đất đai thống nhất từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh; tiến tới xây dựng hệ thống quản lý đất đai tiên tiến, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin đất đai hiện đại.
Trưởng phòng Định giá đất và bồi thường Sở TN&MT Nguyễn Ngọc Thạch: Đề nghị HĐND tỉnh loại bỏ 109 công trình, dự án cần thu hồi đất với diện tích 170,37 ha và 81 công trình, dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng với diện tích 123,26 ha đã được HĐND tỉnh chấp thuận trong năm 2019, nay không có khả năng thực hiện
Sở TN&MT cũng đề nghị HĐND tỉnh xem xét thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất năm 2020 trên địa bàn tỉnh với 1.039 công trình, dự án, tổng diện tích 2.769,54 ha; thông qua danh mục các công trình dự án xin chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trọng năm 2020 với 679 công trình, dự án có tổng diện tích 1.185,40 ha.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hoàng Văn Sơn: Thời gian qua, việc thu hồi đất triển khai các dự án gặp khó khăn. Nguyên nhân là khi tỉnh chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp đầu tư dự án nhưng các huyện lại không đề xuất Sở TN&MT đưa vào kế hoạch nên việc triển khai dự án kéo dài
Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu đánh giá cao ngành TN&MT trong việc thực hiện các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết và ý kiến đóng góp của đại biểu.
Tuy nhiên, các đơn vị liên quan cần quan tâm tới các chính sách hỗ trợ xe vận chuyển rác thải, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã môi trường; rà soát, kiểm tra việc thực hiện việc cập nhật, chỉnh lý bản đồ và hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh đã thực hiện trước đây. Đặc biệt là việc xây dựng giá đất phù hợp với thực tế.
Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị sở TN&MT cần phối hợp với các sở, ngành liên quan để nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 12 khóa XVII sắp tới.