Rác thải được phân loại tại gia đình ông Hoàng Văn Việt ở thôn Song Giang, xã Đan Trường
Đã thành thói quen nên nhìn thấy lá cây hoặc rác thải hữu cơ trên đường là bà Nguyễn Thị Huấn (61 tuổi) ở thôn Thành Yên, xã Xuân Thành lại thu gom và mang về bể chứa trong vườn nhà để làm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất.
Bà Huấn cùng công trình tiện ích “3” trong “1”
“Hằng ngày, các loại lá, vỏ cây và hoa quả hư hỏng lượm lặt về tôi cho vào bể rác vườn nhà rồi tưới vào một ít chế phẩm vi sinh. Sau 1 tháng, bể chứa rác làm ra khoảng 50 kg phân bón hữu cơ, vừa hạn chế lượng rác thải ra môi trường, vừa khử được mùi hôi thối, lại tiết kiệm được số tiền mua phân bón” – bà Huấn phấn khởi cho biết.
Không xây bể chứa 2 ngăn như những hộ gia đình khác, bà Phạm Thị Tuất (75 tuổi, thôn Trường Thanh, xã Đan Trường) chọn phương pháp thủ công hơn là đào hố chôn rác hữu cơ nhưng cũng khá hiệu quả. Bà cho biết: “Diện tích vườn nhà nhỏ nên tôi đào hố xử lý rác hữu cơ tại chỗ. Các loại rau thừa, vỏ chuối được chôn lấp cùng ít chế phẩm men vi sinh là thành phân. Loại phân này rất tốt đối với các loại rau xanh ngắn ngày, đặc biệt là cây hành tăm”.
Trong những năm gần đây, tình trạng xử lý rác thải luôn là bài toán hóc búa đối với các địa phương, trong đó có huyện Nghi Xuân. Vì vậy, từ năm 2018, huyện Nghi Xuân đã đề ra chủ trương phân loại, xử lý rác thải hữu cơ nhằm giám bớt lượng rác thải ra môi trường khi các điểm tập kết rác trên địa bàn đã quá tải. Nhiệm vụ nặng nề này được giao cho chính quyền các địa phương và Hội LHPN huyện Nghi Xuân.
Vườn cà chua trĩu quả của bà Tuất được trồng tại hố rác tự hoại trước đó
Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nghi Xuân Nguyễn Thị Thuỳ Linh cho hay: “Thời gian qua, hội đã phối hợp cùng các địa phương tổ chức hướng dẫn người dân phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình bằng nhiều hình thức như tổ chức tuyên truyền, đi đến nhà vận động, lồng ghép nội dung trong các buổi sinh hoạt của chi hội phụ nữ thôn, xã”.
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện cũng đã trao tặng hơn 5.000 giỏ rác trị giá trên 100 triệu đồng cho các hộ dân để họ tự phân loại rác thải. “Cùng với sự vào cuộc của hội phụ nữ, huyện nghi Xuân và các địa phương cũng đã hỗ trợ hàng trăm hộ gia đình xây các bể chứa rác trong vườn nên lượng rác thải ra môi trường giảm mạnh từ 40- 50%” - bà Linh cho biết thêm.
Bể chứa rác thải của bà Trịnh Thị Nhung ở thôn Thành Yên, xã Xuân Thành
Tới nay, nhiều xã ở Nghi Xuân đã làm tốt công tác phân loại rác như Xuân Thành, Đan Trường Xuân Viên... Nhiều hộ gia đình có từ 2- 3 thùng phân loại rác. Trong khi đó, cách xử lý rác thải tại nhiều hộ tuỳ diện tích vườn lớn hay nhỏ cũng có những cách lựa chọn khác nhau như xây bể 2 ngăn, đào hố chôn lấp hoặc đốt lá cây làm phân nhưng đều đạt mục tiêu cuối cùng là không gây ô nhiễm môi trường và hạn chế lượng rác thải ra môi trường.
Rác sau khi được tổ vệ sinh môi trường các địa phương thu gom và đưa về xử lý tại 2 cơ sở chính của huyện Nghi Xuân tại xã Xuân Thành và Cương Gián.
Nhờ làm tốt công tác phân loại và xử lý rác tại vườn nhà nên lượng rác ở thôn Trường Thanh, xã Đan Trường giảm rất nhiều
Thực hiện tốt việc phân loại, xử lý rác tại nguồn không chỉ mang lại diện mạo làng quê sạch đẹp hơn mà còn góp phần hạn chế lượng rác thải ra môi trường, giảm thiểu chi phí thu gom, xử lý rác, giải quyết gánh nặng ô nhiễm môi trường cho địa phương.