Cựu binh trung đoàn 210 tưởng nhớ đồng đội...
Bỏ lại một phần tuổi trẻ nơi chiến trường khốc liệt đạn bom, những lần cùng đồng đội chiến đấu dưới mưa bom bão đạn, bảo vệ từng tấc đất là khoảng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời cầm súng của những cựu binh Trung đoàn 210.
Trong 147 ngày đêm chiến đấu bảo vệ huyết mạch giao thông tại Ngã ba Đồng Lộc với 1.760 trận đánh, tổn thất nhiều nhưng với khẩu hiệu “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, các chiến sỹ trung đoàn luôn bám chắc mâm pháo. Đã có 122 chiến sỹ của trung đoàn ngã xuống, trong số đó có 5 đại đội trưởng đang chỉ huy chiến đấu; 259 đồng chí bị thương.
... và chia sẻ về tinh thần lạc quan, yêu đời những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Đồng Lộc
50 năm sau trở lại mảnh đất kề vai sát cánh chiến đấu cùng đồng đội, cựu binh trung đoàn Nguyễn Thành Cung không nén nổi những giọt nước mắt: “Mỗi lần trở lại mảnh đất này, chúng tôi như lại trở về quê hương. Tất cả dường như mới hôm qua khi mỗi sáng ra trận, chúng tôi lại ôm nhau, dặn dò”.
... và không kìm nén được xúc động khi nghĩ về những đồng đội đã mất
Những chiến sĩ Trung đoàn 210 với lứa tuổi đôi mươi ngày nào xông pha trận mạc giờ tóc đã điểm sương. Trở lại với đất lửa Đồng Lộc là dịp để họ cùng nhắc lại ký ức về chiến tranh, để được sống trong tình đồng chí, đồng đội.
Cựu chiến binh Trần Giao vẫn còn nhớ như in trận đánh ngày 7/7/1968 ngay cạnh Cầu Tối: "Thời điểm đó, đạn thiếu trầm trọng, quân số hao hụt, gạo thiếu, nhưng chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi được sự chia sẻ của người dân địa phương. Có người bằng tuổi cha, tuổi chú chúng tôi cũng sẵn sàng tăng cường cầm súng. Trận đánh máy bay bổ nhào ấy, quân ta đã thắng giòn giã”.
Cựu chiến binh Trần Ngọc Hồi xúc động khi nhớ về hình ảnh nữ dân quân Đồng Lộc đã cứu ông khi bị thương
Nhìn lại sự đổi thay trên quê hương Đồng Lộc hôm nay, cựu chiến binh Nguyễn Thiết Chu - chủ nhiệm xe Trung đoàn 210 bộc bạch: “Vùng đất này, trước đây hoang vu, bom đạn cày xới chi chít. Trong những tháng ngày khốc liệt, cận kề cái chết, tình quân dân thật sự làm chúng tôi ấm lòng. Mỗi lúc trận địa im tiếng pháo, người dân lại thấp thỏm lo âu và khóc thương vì cứ nghĩ bộ đội đã hy sinh. Tranh thủ sau những đợt bom, họ lại chạy ùa lên trận địa tay bắt mặt mừng, động viên tiếp sức cho chúng tôi”.
Con gái liệt sỹ Trần Đức Ca (Trung đoàn 210) rưng rưng khi đến thăm chiến trường xưa nơi bố mình đã ngã xuống
Trong chuyến trở về của những cựu binh Trung đoàn 210 còn có những thân nhân liệt sỹ đã ngã xuống trên mảnh đất này. Dâng nén hương thành kính gửi đến anh linh những người đã ngã xuống, chị Trần Thị Hải rưng rưng khi nhớ đến người bố kính yêu – liệt sỹ, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Đức Ca.
Cựu chiến binh Trung đoàn 210 trao kỷ niệm chương cho lãnh đạo huyện. Ảnh: Đạt Võ
Chị Hải chia sẻ: “Tôi được 5 tuổi thì bố hy sinh, ký ức về bố chủ yếu qua những lời mẹ kể. Hôm nay, khi về thăm lại chiến trường xưa nơi bố đã từng chiến đấu và ngã xuống, qua những hồi ức của đồng đội cũ, tôi càng tự hào hơn về người bố của mình. Tôi luôn tự hứa với mình sẽ cố gắng dạy bảo các con cháu sống xứng đáng với những hy sinh của cha ông".
Trước khi trở về thăm chiến trường Đồng Lộc năm xưa, các cựu binh đã đến dâng hương và tham quan Bảo tàng Xô viết. Ảnh: Đạt Võ
Bom đạn khốc liệt đã qua. Cuộc sống mới đã hồi sinh trên mảnh đất này. Có lẽ, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất mà các cựu binh Trung đoàn 210 cảm nhận được, vì hơn ai hết, họ thấu hiểu cái giá mà họ cũng như bao đồng đội đã đánh đổi để có được hòa bình.