Y tế

Tâm tình của những y, bác sỹ Hà Tĩnh chấp nhận cách ly “vô thời hạn”

Tâm tình của những y, bác sỹ Hà Tĩnh chấp nhận cách ly “vô thời hạn”

Tiếp nhận, chăm sóc và điều trị cho những người có yếu tố dịch tễ trở về từ vùng dịch đồng nghĩa với việc gần 2 tuần nay, các y, bác sỹ đang làm việc tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cũng phải cách ly như những người có nguy cơ lây nhiễm.

Tâm tình của những y, bác sỹ Hà Tĩnh chấp nhận cách ly “vô thời hạn”

Tâm tình của những y, bác sỹ Hà Tĩnh chấp nhận cách ly “vô thời hạn”

Chỉ mấy ngày nữa bé Nguyễn Tô Gia Khánh (phường Nguyễn Du – TP Hà Tĩnh) tròn 3 tuổi. Nhưng, khác với mọi năm, năm nay, em sẽ không được đón sinh nhật cùng bố mẹ, nhận những món quà yêu thích như những sinh nhật trước.

Gia Khánh là con trai đầu lòng của vợ chồng chị Tô Phạm Khánh Chi – điều dưỡng Khoa Truyền nhiễm. Mẹ em cùng với các đồng nghiệp đã thực hiện lệnh cách ly tại bệnh viện được hơn 10 ngày nay.

Tâm tình của những y, bác sỹ Hà Tĩnh chấp nhận cách ly “vô thời hạn”

Chị Khánh Chi chia sẻ: “Tôi đã hơn 10 ngày xa con, chồng làm công an nên cũng ngần ấy thời gian chưa về nhà. Hai vợ chồng phải gửi con nhờ ông bà ngoại ở Vinh chăm sóc. Sinh nhật con năm nay cả hai đều không về được, rất nhớ và thương con nhưng vì nhiệm vụ nên chúng tôi vẫn luôn cố gắng hết sức”.

Cũng như chị Khánh Chi, rất nhiều anh chị em tại Khoa Truyền nhiễm phải gửi con cho người thân chăm sóc, gác lại việc gia đình và những nỗi niềm riêng để bước vào “tuyến đầu” chống dịch.

Mặc dù chỉ còn 4 tháng nữa là nhận quyết định về hưu nhưng thầy thuốc ưu tú Nguyễn Trọng Đức - Điều dưỡng trưởng Khoa Truyền nhiễm vẫn không ngần ngại nhận nhiệm vụ ở vòng trong khu cách ly. Cùng anh em đồng nghiệp, thầy thuốc Nguyễn Trọng Đức chấp nhận những hiểm nguy, áp lực trong thời điểm nhạy cảm này.

Tâm tình của những y, bác sỹ Hà Tĩnh chấp nhận cách ly “vô thời hạn”

Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Trọng Đức vui vẻ chia sẻ: “Các chị em con nhỏ còn gác lại việc gia đình để hoàn thành nhiệm vụ thì chẳng có lý do gì để tôi từ chối cả. Tôi quan niệm, hưu tuổi nhưng không hưu nghề nên còn thời gian, sức khỏe là tôi còn cống hiến. Nếu diễn biến của dịch bệnh phức tạp, phải tiếp nhận thêm người có yếu tố dịch tễ thì chúng tôi cũng xác định tư tưởng và chấp nhận cách ly “vô thời hạn”.

Tâm tình của những y, bác sỹ Hà Tĩnh chấp nhận cách ly “vô thời hạn”

Bác sỹ Nguyễn Xuân Bảo – Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: “Khoa có 12 cán bộ, y bác sỹ đều đã được điều động phục vụ bệnh nhân cách ly và thêm 7 bác sỹ thuộc các chuyên ngành sản, nhi, chấn chương chỉnh hình, hồi sức tích cực cũng đã được tăng cường đợt này. Đồng nghĩa tất cả đều bị cách ly và luôn sẵn sàng cho những tình huống khẩn cấp”.

Tâm tình của những y, bác sỹ Hà Tĩnh chấp nhận cách ly “vô thời hạn”

Trong số 9 bệnh nhân hiện đang được theo dõi tại đây có một bệnh nhân nữ trở về từ Lào đang mang thai tuần thứ 38. Để theo dõi tình hình của sản phụ và chuẩn bị sẵn sàng cho ca sinh sắp tới, bác sỹ Nguyễn Văn Diệu (Khoa Sản) và bác sỹ Dương Văn Giáp (Khoa Nhi) được tăng cường hỗ trợ.

Bác sỹ Diệu chia sẻ: “Khi nhận nhiệm vụ tăng cường, chúng tôi cũng xác định thời hạn cách ly của bản thân hoàn toàn tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân và diễn biến của dịch bệnh. Sản phụ đã ở những ngày cuối của thai kỳ, có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào nên anh em chúng tôi phải thăm khám thường xuyên, túc trực để sẵn sàng cho những tình huống khẩn cấp”.

Tâm tình của những y, bác sỹ Hà Tĩnh chấp nhận cách ly “vô thời hạn”

Cũng theo bác sỹ Diệu, hai phương án đã được đưa ra để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sản phụ, thai nhi và quy trình cách ly bệnh nhân có yếu tố dịch tễ. Theo đó, nếu bệnh nhân sinh thường sẽ được đỡ đẻ ngay tại khu cách ly, bác sỹ nhi khoa và các y, bác sỹ tại Khoa hỗ trợ chăm sóc em bé sau khi chào đời. Trong trường hợp bệnh nhân sinh khó phải tiến hành mổ thì sẽ được chuyển đến phòng mổ cách ly đã được bố trí sẵn ở Khoa Gây mê hồi sức với đầy đủ điều kiện cách ly an toàn.

Tâm tình của những y, bác sỹ Hà Tĩnh chấp nhận cách ly “vô thời hạn”

Ngoài bệnh nhân là sản phụ đang chờ sinh, khoa còn tiếp nhận những trường hợp có yếu tố dịch tễ có bệnh lý nền. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có thể chuyển biến xấu bất cứ lúc nào, do đó, một số bác sỹ ở Khoa Chấn thương chỉnh hình, Hồi sức tích cực cũng được tăng cường.

Để chăm sóc, điều trị bệnh hiệu quả nhưng vẫn thực hiện nghiêm quy trình cách ly là điều không hề dễ dàng, đòi hỏi các y, bác sỹ vừa phải vững chuyên môn, vừa phải vững tinh thần. “Anh em luôn động viên nhau bình tĩnh nhưng không chủ quan để không bị động trước những tình huống bất ngờ, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện” – bác sỹ Diệu chia sẻ.

Tâm tình của những y, bác sỹ Hà Tĩnh chấp nhận cách ly “vô thời hạn”

Thêm một ca có yếu tố dịch tễ được chuyển đến khoa là thêm một nỗi lo, một trách nhiệm nặng nề đối với đội ngũ y bác sỹ nơi đây. Hơn ai hết, họ hiểu được rằng đó là những ca bệnh có nguy cơ cao.

Khi ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai bùng phát, một số bệnh nhân từ đây chuyển về đã được đưa ngay vào khu cách ly. Tiếp nhận những ca bệnh này là một thử thách lớn về chuyên môn cũng như tâm lý đối với các bác sỹ. Trong số những bệnh nhân đó, đáng lo ngại nhất là trường hợp một bệnh nhân nam với bệnh lý viêm phổi nặng, cong vẹo cột sống, phải thở máy, tình trạng sức khỏe yếu.

Tâm tình của những y, bác sỹ Hà Tĩnh chấp nhận cách ly “vô thời hạn”

Bác sỹ Nguyễn Xuân Bảo – Trưởng khoa Truyền nhiễm vẫn nhớ như in những giờ phút thấp thỏm lo âu khi chờ kết quả xét nghiệm của bệnh nhân này: “Bệnh nhân đi từ ổ dịch về, kết quả chụp chiếu cho thấy phổi tổn thương nghiêm trọng khiến chúng tôi lo lắng vô cùng. Thời gian chờ kết quả xét nghiệm, không ai bảo ai nhưng tất thảy đều như “nín thở”. Và chỉ khi nhận kết quả bệnh nhân âm tính lần hai, chúng tôi mới thật sự thở phào nhẹ nhõm”.

Cảm giác “thở phào nhẹ nhõm” đó không chỉ có ý nghĩa với bản thân bệnh nhân, y bác sỹ tại khu cách ly mà còn là tín hiệu tích cực cho thấy cuộc chiến nơi tuyến đầu chống dịch vẫn đang đi đúng quy trình và trong tầm kiểm soát.

Tâm tình của những y, bác sỹ Hà Tĩnh chấp nhận cách ly “vô thời hạn”

Chăm sóc bệnh nhân vốn là công việc vất vả, chăm sóc và theo dõi những bệnh nhân có yếu tố dịch tễ càng khó khăn và áp lực hơn rất nhiều lần. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người, các y, bác sỹ phải bó mình cả ngày trong bộ đồ bảo hộ với 7 lớp và khuôn mặt luôn được giấu sau lớp khẩu trang dày, kín mít. Y, bác sỹ nam đã vất vả thì với các nữ điều dưỡng, sau mỗi ca trực, chị em nhìn nhau không khỏi xót xa khi tháo khẩu trang là những khuôn mặt tấy đỏ, hằn lên những vết bầm.

“Thường trực cảm giác nóng bức, khó chịu, mồ hôi ướt đẫm dù nhiệt độ ngoài trời không quá cao. Đến những sinh hoạt cá nhân tối thiểu chúng tôi cũng phải cố gắng hạn chế để kịp xoay trở với yêu cầu công việc” – điều dưỡng Tô Phạm Khánh Chi chia sẻ.

Nhận nhiệm vụ tại Khoa Truyền nhiễm thời gian này là các y, bác sỹ đều xác định cuộc chiến còn dài, phía trước còn nhiều thử thách, nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, họ vẫn là những người xung kích.

Và như lời chia sẻ đầy quyết tâm của bác sỹ Nguyễn Xuân Bảo: “Đã nhận nhiệm vụ “xung kích” ở tuyến đầu là chúng tôi hiểu trọng trách của mình. Nhận một kết quả âm tính, tiễn một bệnh nhân ra viện sau 14 ngày cách ly là thêm một tín hiệu khả quan cho cuộc chiến này. Vì thế, chúng tôi vẫn không ngừng nỗ lực và quyết tâm góp sức đẩy lùi Covid-19”.

ảnh: kiều minh - hào hoàng

thiết kế: huy tùng

Tâm tình của những y, bác sỹ Hà Tĩnh chấp nhận cách ly “vô thời hạn”
Tâm tình của những y, bác sỹ Hà Tĩnh chấp nhận cách ly “vô thời hạn”
Tâm tình của những y, bác sỹ Hà Tĩnh chấp nhận cách ly “vô thời hạn”

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.