Theo Phó thủ tướng, việc đầu tư xây dựng và quản lý vận hành một số dự án BOT thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế, trong đó có việc khai thác, vận hành công trình chưa hợp lý, gây bức xúc cho người dân.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc nghiên cứu, ban hành tiêu chí đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Cụ thể, Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng tiêu chí đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh, bảo đảm tuân thủ đúng Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi ban hành.
Trước đó, ngày 30/12/2017 vừa qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ và địa phương liên quan tiếp tục rà soát tất cả các dự án BOT giao thông đường bộ, có biện pháp giải quyết tối ưu, chặt chẽ, không để lặp lại tình trạng như trạm thu giá Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Theo Phó thủ tướng, việc đầu tư xây dựng và quản lý vận hành một số dự án BOT thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế từ khâu chuẩn bị đầu tư (công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án) đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, xác định tổng mức đầu tư để làm cơ sở tính giá phí; việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu vẫn là chỉ định thầu, năng lực một số nhà đầu tư còn hạn chế; công tác huy động vốn còn nhiều tồn tại; thời gian thi công một số công trình còn kéo dài, chất lượng một số công trình chưa đạt yêu cầu; công tác khai thác, vận hành công trình chưa hợp lý, gây bức xúc cho người dân.
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung, hợp đồng BOT nói riêng còn thiếu và chưa đồng bộ; công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng theo hình thức BOT còn nhiều bất cập, thiếu kinh nghiệm, hiệu quả chưa cao; quy hoạch trạm thu phí chưa khoa học...