Anh Nguyễn Thế Bảo đã bảo toàn số cá khi đưa vào ao nuôi của gia đình, đang chờ ngày xuất bán
Anh Nguyễn Thế Bảo (SN 1983, thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà) người đang có 8 ô nuôi với 3.500 con cá các loại cho hay: “Vào giữa tháng 7 âm lịch hằng năm là đợt cao điểm mưa, bão đổ dồn, nước từ thượng nguồn về làm cho cá thường dễ chết do sốc nước ngọt. Thế nên nếu cứ để cá nuôi ở lồng bè nguy cơ cá chết trắng là rất cao".
Từ nhận biết đó, anh Bảo cho hay: "Khoảng 3-4 năm nay, trước mùa cao điểm mưa bão, tôi tận dụng ao nuôi tôm vụ xuân hè, sau đó để trống một ao lớn, rồi thuê người vận chuyển cá từ bè vào ao để tránh thiên tai. Hiện số cá đưa vào vẫn phát triển bình thường và cũng nhờ thế mà mấy năm qua, riêng gia đình tôi không lâm vào cảnh mất trắng…”.
Tận dụng ao nuôi tôm vụ xuân hè đưa cá từ lồng bè vào “tránh lũ” cũng là cách làm của gia đình anh Nguyễn Quang Sâm suốt mấy năm nay
Gia đình hiện có 8 ô nuôi các loại cá mú, cá hồng mỹ, cá chẽm với gần 4.000 con, anh Nguyễn Quang Sâm (SN 1974, thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà) chia sẻ: “Nuôi trong lồng bè trên sông thì cá sẽ nhanh lớn hơn, nhưng nếu thiên tai ập xuống thì chỉ có mất trắng. Với kinh nghiệm gần chục năm nuôi trồng thì việc “tạo đường lui” cho cá trong mùa mưa bão là hết sức cần thiết. Cho nên cứ giữa tháng 7 âm lịch, tôi đưa cá vào ao, rồi tầm tháng 10 âm lịch lại đưa ra ngoài để cá phát triển nhanh, phục vụ cho đợt tết”.
Khu vực nuôi lồng bè dưới chân cầu Sông Vịnh, xã Kỳ Hà
Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở đây cho biết, thường vào các đợt mưa lớn, nguồn nước vùng nuôi trồng bị giảm độ mặn. Môi trường sống của các loại thủy sản bị thay đổi đột ngột ảnh hưởng đến khả năng thích nghi, sức đề kháng dẫn đến chết hàng loạt.
Ông Lê Văn Luyện, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho biết: “Toàn xã hiện có khoảng 25 hộ nuôi trồng thủy sản tại 2 vùng là dưới chân núi Cao Vọng và dưới chân cầu Sông Vịnh. Sau đợt mưa lũ vừa qua, khi lượng nước ngọt đổ về quá lớn và dồn dập khiến lồng, bè cá bị đánh hư hỏng, thủy sản cũng hư hại, chết nhiều, với mức độ khoảng hơn 80%. Tuy nhiên, có 2 hộ là anh Nguyễn Văn Bảo và anh Nguyễn Quang Sâm đã chủ động ứng phó bằng cách đưa cá từ lồng vào khu vực ao nuôi của gia đình nên tránh được thiệt hại lớn về kinh tế. Đây được xem là cách làm hay cần được nhân rộng với địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của mưa bão như Kỳ Anh”.