Ông Lượng thực hiện vớt số tôm chết để kịp thời tiêu hủy.
Cuối tháng 4/2019, ông Phan Đình Lượng đầu tư nuôi 4 ao tôm với diện tích mặt nước khoảng 2 ha; riêng 2 ao tôm có hiện tượng chết, ông thả 40 vạn con giống tôm đá (mua của Công ty CP Nam Miền Trung, tỉnh Ninh Thuận).
Thời gian đầu, tôm sinh trưởng, phát triển tốt, các tiêu chuẩn về độ kiềm, khí độc… đều đảm bảo, đồng thời ông cũng thực hiện chế độ sục khí, ăn uống đầy đủ. Đến nay tôm đã hơn 70 ngày tuổi, gần đến vụ thu hoạch. Tuy nhiên, đến ngày 8/7, 2 ao xuất hiện tình trạng tôm ốm yếu, dạt vào bờ và chết chìm, đến sáng ngày 9/7 thì chết hàng loạt, nổi trắng hồ.
Tôm đã đạt cỡ 100 - 110 con/kg, chỉ còn cách thời vụ thu hoạch khoảng 10 ngày.
Có mặt ở khu vực nuôi tôm giữa cái nắng gay gắt, chúng tôi thấy ông Lượng đang cố dùng vợt vớt số tôm chết nổi trên mặt hồ để kịp tiêu hủy. Bởi theo ông, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường, đặc biệt là các vụ nuôi sau. Giải pháp trước mắt của gia đình là vớt hết tôm chết, rải vôi rồi thực hiện chôn lấp.
Ông Lượng buồn rầu nói: "Chỉ khoảng 10 ngày nữa, 2 ao tôm này sẽ đến vụ thu hoạch, với số giống và cỡ tôm hiện nay đạt từ 100 - 110 con/kg, ước tính sản lượng sẽ đạt khoảng 3,5 tấn tôm thương phẩm. Với mức giá hiện nay là 86 nghìn đồng/kg, gia đình tôi thiệt hại hơn 250 triệu đồng. Trong khi đó, để đầu tư nuôi tôm, ngoài nguồn vốn sẵn có, tôi còn phải vay ngân hàng 350 triệu đồng và nợ gần 190 triệu đồng chi phí thức ăn".
Giải pháp tạm thời của gia đình ông Lượng là rải vôi bột khử trùng và chôn lấp số tôm bị chết.
"Với kinh nghiệm của tôi, những triệu chứng khi tôm chết cho thấy khả năng cao là mắc bệnh liên quan đến gan, tụy. Hơn nữa, hơn 1 tháng qua, thời tiết nắng nóng gay gắt, cùng với hệ thống kênh dẫn nước thải quá dài, khiến việc thoát nước khó khăn nên tôm rất dễ mắc bệnh dịch liên quan đến gan, tụy.
Tuy nhiên, nguyên nhân thật sự do đâu cần phải có cơ quan chức năng có chuyên môn xem xét, kết luận. Tôi cũng mong muốn các cơ quan vào cuộc sớm tìm ra nguyên nhân để gia đình có cơ sở thực hiện xử lý hồ cũng như bảo vệ các hồ nuôi khác của tôi và các hộ nuôi xung quanh" - ông Lượng chia sẻ thêm.
Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ Hoàng Hải Đường cho biết, khi nhận được tin báo, xã đã cử cán bộ chuyên môn đến kiểm tra và báo cáo lên huyện Lộc Hà. Hiện tượng tôm chết đến hiện tại chỉ xuất hiện tại ao của hộ ông Phan Đình Lượng. Hiện, Phòng Nông nghiệp huyện Lộc Hà đã tiến hành lấy mẫu và gửi đi xét nghiệm tại các trung tâm chuyên ngành có thẩm quyền để xác định nguyên nhân và xây dựng phương án bảo vệ các ao tôm khác trên toàn huyện.