Người dân Thịnh Lộc bức xúc tố cáo cơ sở nuôi tôm của Công ty CP xây dựng Tiến Đạt xả thải ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước ngầm và bốc mùi hôi thối, lây lan dịch bệnh.
Hà Tĩnh hiện có 91 tổ chức, cá nhân hoạt động nuôi tôm trên cát (24 công ty, HTX, 2 trại thực nghiệm và 65 hộ gia đình). Diện tích xin thuê đất nuôi tôm trên cát là 599,26 ha tại 6 huyện, thị ven biển, trong đó, diện tích thực tế đã nuôi 395,36 ha. Vùng nuôi lớn nhất tập trung ở các huyện Cẩm Xuyên (133,26 ha) và Thạch Hà (133 ha).
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đặng Hữu Bình cho biết, trong số 13 cơ sở thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mới có 7 cơ sở được phê duyệt ĐTM. Các cơ sở còn lại thuộc đối tượng lập kế hoạch bảo vệ môi trường cấp huyện xác nhận. Đa số các cơ sở chưa thực hiện quan trắc môi trường định kỳ.
Cũng theo ông Đặng Hữu Bình, các dự án nuôi tôm trên cát hiện nay chủ yếu bố trí 1 - 2 ao lắng xử lý nước thải. Một số vùng đã có hệ thống thu gom nước thải tập trung bằng đường ống trước khi xả ra biển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở không bố trí ao xử lý nước thải hoặc ao xử lý nước thải chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định (về diện tích, kỹ thuật lót bạt, bờ ao…) dẫn đến không đảm bảo hiệu quả xử lý, như: Công ty CP Xây dựng Đại Thắng (Thạch Trị, Thạch Hà), Công ty CP Xây dựng Tiến Đạt (Thịnh Lộc, Lộc Hà) và các cơ sở nuôi nhỏ lẻ.
Tất cả nguồn nước xả thải của cơ sở nuôi tôm trên cát của ông Nguyễn Viết Khánh xóm Bình Phúc, xã Xuân Đan (huyện Nghi Xuân) dồn lại phía cuối một con mương rồi theo mương nước chạy thẳng ra biển.
Gần đây, cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện tại dự án nuôi tôm trên cát của Công ty CP Xây dựng Tiến Đạt có 2 hệ thống xả thải ra biển. Kết quả kiểm tra các mẫu nước cho thấy, thông số môi trường thông thường trong nước xả thải từ hoạt động nuôi tôm của cơ sở này vượt hơn 10 lần quy chuẩn kỹ thuật về chất thải theo QCVN 02-09-2014/BNNPTNT.
Mới đây nhất, người dân thôn Bình Phúc, xã Xuân Đan (Nghi Xuân) phải làm đơn cầu cứu chính quyền khi cơ sở nuôi tôm trên cát của ông Nguyễn Viết Khánh ngang nhiên xả thải trực tiếp ra biển, tác động xấu đến môi trường sống của người dân. Mặc dù cơ sở nuôi này có quy mô 2,5 ha, nhưng toàn bộ khu vực nuôi không hề có hệ thống xử lý nước thải. Tất cả nguồn nước xả thải của các hồ nuôi tôm dồn lại phía cuối một con mương rồi theo mương nước chạy thẳng ra biển.
Đang là thời điểm thuận lợi để triển khai nuôi tôm nhưng nhiều cơ sở nuôi tôm trên cát từ Lộc Hà, Thạch Hà đến Cẩm Xuyên, Kỳ Anh đang bỏ trống phần lớn diện tích ao nuôi. Nguyên nhân chính được các hộ nuôi “bộc bạch” là trong 2 năm lại nay, môi trường nuôi tôm đang bị ô nhiễm, lây lan dịch bệnh.
Năm 2017, dịch bệnh hoại tử gan tụy và bệnh đốm trắng xẩy ra tại vùng nuôi trên cát các xã Thạch Trị, Thạch Lạc (Thạch Hà); Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên); Xuân Yên, Xuân Phổ (Nghi Xuân); Kỳ Phương (TX Kỳ Anh)… với tổng diện tích 27,8 ha. Năm 2018, diện tích bị dịch bệnh hoại tử 12,4 ha, tại các xã Thạch Trị, Cẩm Dương (Cẩm Xuyên).
Mặc dù đang thời điểm thuận lợi để triển khai nuôi tôm nhưng nhiều ao nuôi của Công ty TNHH Sao Đại Dương ở xã Thạch Trị (Thạch Hà) vẫn bỏ trống, dàn máy sục đảo ô-xy nằm chỏng chơ.
Từng có 10 năm kinh nghiệm nuôi tôm trên cát thành công với doanh thu bình quân 100 tỷ đồng/năm, thế nhưng, vụ nuôi 2018, không khí ở cơ sở nuôi tôm của Công ty TNHH Sao Đại Dương ở xã Thạch Trị rất vắng vẻ, tĩnh lặng. Giám đốc công ty Nguyễn Thị Hạnh chỉ vào các ao nuôi bỏ trống, trơ đáy và dàn máy sục đảo ô-xy nằm chỏng chơ trên diện tích 120 ha, cho biết: “Năm 2017, chúng tôi thua lỗ hơn 10 tỷ đồng do toàn bộ 20 triệu con giống thả nuôi được một thời gian ngắn thì bị chết. Nguyên nhân được cán bộ kỹ thuật xác định là do thời tiết không thuận lợi và nguồn nước đầu vào không đảm bảo tiêu chuẩn. Từ đó đến nay, đơn vị chỉ duy trì sản xuất khoảng 30% diện tích ao nuôi”.
Không riêng gì Công ty TNHH Sao Đại Dương, nhiều cơ sở nuôi tôm trên cát tại xã Thạch Trị, Thịnh Lộc, Cẩm Hòa, Cẩm Dương đều đang bỏ trống phần lớn diện tích ao nuôi. Sau một vài vụ nuôi đầu cho hiệu quả kinh tế cao, đến vụ nuôi thứ 4, thứ 5..., hầu hết các hộ nuôi đều gặp khó khăn do tôm bị dịch bệnh, năng suất thấp.
Theo ông Đặng Trọng Thạch - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Dương, những yếu kém trong công tác vệ sinh môi trường đã và đang tác động ngược trở lại, buộc các hộ nuôi phải “treo ao” hoặc sản xuất cầm chừng. Qua kiểm tra các ao nuôi nhỏ lẻ ở Cẩm Dương cho thấy, phần lớn các hộ nuôi trên địa bàn không sử dụng ao lắng, xử lý nước, bùn thải mà xả lộ thiên, trực tiếp ra môi trường. Với việc quản lý môi trường như vậy, ngoài ô nhiễm môi trường chung thì nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu.
Nhiều ao nuôi ở Cẩm Hòa, Cẩm Dương cũng không còn hoạt động
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đặng Thị Thu Hoàn cho biết, ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết bất lợi thì nguyên nhân chủ quan từ việc các hộ nuôi không tuân thủ xử lý môi trường khiến dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát. Cụ thể, việc xây dựng hạ tầng của từng cơ sở nuôi không đồng bộ, nhất là ống cấp nước của cơ sở nuôi này đặt sát vị trí ống xả của cơ sở khác, không có ao lắng nước cấp. Tháng 5/2018, qua kiểm tra mẫu nước ao nuôi và ao chứa tại một số địa phương, cơ quan chuyên môn đã phát hiện có vi khuẩn vibrio vượt ngưỡng cho phép.
Ngoài ra, còn có thể kể đến một số nguyên nhân khác như: Các hộ nuôi chưa thực hiện quản lý tốt các yếu tố môi trường ao nuôi, kiểm soát mầm bệnh trong quá trình nuôi, khai báo dịch chậm hoặc không khai báo, tháo xả nước và tôm bị chết, bị bệnh ra ngoài môi trường chưa qua xử lý.