Thời gian người dùng gắn với các hoạt động trên Facebook như like, cập nhật statsus, đăng ảnh, bình luận… ngày một tăng cùng với sự phổ biến của smartphone và 3G/4G. Do dễ tiếp cận và dễ sử dụng, không ngạc nhiên khi nhiều người trở nên “nghiện” Facebook. Có gì sai nếu bạn xem Facebook như một công cụ giải trí hay để giải tỏa stress? Nếu chỉ có như vậy, nó đã không thành vấn đề. Tuy nhiên, khi hoạt động Facebook bắt đầu can thiệp vào cuộc sống hàng ngày, trở thành nguồn gốc gây xao lãng khi làm việc hay học tập, bạn đang trở thành “nô lệ” của nó.
Dưới đây là một vài dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy bạn đã “nghiện” Facebook:
1. Chia sẻ quá mức
Khi mà nhiều người đang lo lắng về quyền riêng tư trên mạng, thật lạ lại có số lượng lớn người khác tình nguyện chia sẻ những bí mật thầm kín nhất về cuộc sống của họ trên Facebook. Chia sẻ là quyền của mỗi người nhưng nếu quá lạm dụng nó, bạn sẽ phải hối tiếc vì những thứ đã nói trên nền tảng. Khi nghiện gì đó, chúng ta có thể làm bất kỳ điều gì để thỏa mãn. Trong trường hợp của “nghiện” Facebook, một khi đã “lên cơn”, chúng ta không có lý trí để phán đoán việc mình làm là đúng hay sai, thứ gì nên và không nên chia sẻ.
2. Xem Facebook mọi lúc mọi nơi
Dù đang ở đâu, làm gì, ý nghĩ phải kiểm tra Facebook xem ai có cập nhật gì mới hay trả lời lại các bài đăng luôn thôi thúc bạn. Nói cách khác, chỉ cần rảnh tay là bạn lại mở Facebook. Vừa làm việc, bạn vừa tranh thủ ngó quá xem có gì hay. Khi đi uống nước cùng bạn bè, đôi tay bạn cũng không ngừng “lướt” Facebook. Kết quả là bạn bị phân tâm khỏi mọi việc đang làm dù nó chỉ tốn vài phút để hoàn thành và người khác thấy bạn có mặt ở đó cũng như không. Mọi sự chú tâm của bạn đều dành cho các thông báo trên Facebook.
3. Quá quan tâm đến hình ảnh trên Facebook
Bạn có bao giờ dành hơn 15 phút để nghĩ xem nên viết status gì? Sau khi quyết định được nội dung và đăng nó, bạn có háo hức xem người khác phản hồi thế nào? Đó chính là cái gọi là “hình ảnh Facebook”. Chúng ta luôn lo ngại về bản thân được thế giới tiếp nhận thế nào, ngay cả khi đó chỉ là thế giới “ảo”.
Một số người trong số chúng ta dành quá nhiều thời gian để cải thiện hình ảnh của họ trong mắt người khác. Họ luôn phải tỏ ra thú vị, hài hước, giải trí… khi đăng status để cho thấy họ là một người tuyệt vời. Sau đó, họ liên tục ngồi chờ người khác bình luận, thích… và từ đó kiểm tra Facebook liên tục.
4. Báo cáo trên Facebook
Trong danh sách bạn bè của bạn, luôn có những người không bao giờ quên cập nhật họ đang ở đâu, làm gì thông qua status, check-in, đăng ảnh… Chúng cho bạn biết tường tận lịch trình hàng ngày của họ, nơi họ sống, nơi họ đi, ảnh tự sướng…
Dường như họ muốn nhắc nhở chúng ta rằng họ có tồn tại. Nếu là một trong số này, có lẽ bạn nên tự hỏi động cơ đằng sau việc “báo cáo” thường xuyên như vậy.
5. Duyệt Facebook hàng giờ mỗi ngày
Nếu chỉ dành ra khoảng 1 tiếng hoặc hơn trên Facebook, điều đó hoàn toàn ổn, nhưng nếu thời lượng nhiều hơn hẳn, nó là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng. Đúng là trên Facebook có vô số nội dung để xem, như ảnh, game… nhưng nếu mất quá nhiều thời gian quý giá chỉ để duyệt Facebook mà chẳng để làm gì, bạn nên thay đổi cách sống ấy.
Vấn đề sẽ tệ hơn nếu bạn đang hi sinh giấc ngủ vì Facebook. Bạn không ngủ đủ giấc chỉ để thỏa mãn thói quen lướt Facebook. Thiếu ngủ chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của bạn ngày hôm sau.
6. Kết bạn điên cuồng
Với một số người, cơn nghiện Facebook đồng nghĩa với kết nhiều bạn càng tốt. Thậm chí còn có cuộc đua giữa bạn và những người khác trên mạng xã hội xem ai có số lượng bạn bè nhiều hơn. Bạn có thể nghĩ rằng càng nhiều bạn bè, hình ảnh của bạn càng “oách” nhưng thực tế, bạn có ít hay nhiều bạn bè người khác cũng không quan tâm. Nó chỉ thỏa mãn nhu cầu được xem như người nổi tiếng của riêng bạn.
Một điều khá thú vị là nghiên cứu từ Đại học Edinburgh Napier chỉ ra người dùng Facebook có nhiều bạn có xu hướng stress hơn. Càng nhiều bạn bè, bạn càng thấy áp lực phải duy trì hình ảnh đối với nhiều đối tượng khác nhau. Nói cách khác, cuộc đua kết bạn lại gia tăng căng thẳng liên quan đến Facebook, gây ra hậu quả không mong muốn.
7. Phá hoại cuộc sống thật sự
Khi phụ thuộc vào Facebook để liên lạc, nhắn tin, chia sẻ, bạn sẽ chạm tới điểm cảm thấy thoải mái hơn trên mạng so với ngoài đời. Bạn lên Facebook để lấp đầy nhu cầu xã hội và bắt đầu làm hỏng thời gian dành cho bạn bè, gia đình ở đời thực.
Nó không lành mạnh chút nào. Giao tiếp trực tiếp là trải nghiệm phong phú hơn giao tiếp trên mạng, nơi chúng ta không thể nhìn thấy các phương tiện biểu đạt như ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ, giọng nói. Không khó hiểu khi tin nhắn thường xuyên bị hiểu sai, dẫn đến hiểu nhầm. Trong dài hạn, đời sống của bạn bị phá hoại bởi bạn chỉ biết có Facebook và bạn ảo.