Dự tính vụ cam năm nay anh Thắng có thu 5 tấn quả, trị giá trên 200 triệu đồng từ
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con nên sau khi học xong THPT, anh Trần Quốc Thắng không có đi theo con đường đại học mà quyết định ở nhà lập nghiệp. Vùng đất nơi anh sinh sống chủ yếu là đồi núi, sống độc về nghề nông nên quanh năm vất vả làm lụng cũng không thể khá lên được. Song, những khó khăn đó chẳng thể ngăn cản ý chí làm giàu của chàng thanh niên trẻ Trần Quốc Thắng.
Sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, anh đã tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin và nuôi quyết tâm “bắt” vùng đồi núi nơi đây thành “đẻ” ra tiền. Với lợi thế gia đình có diện tích đất vườn đồi rộng lớn, anh quyết định đầu tư trồng cây ăn quả. Trong đó, chủ yếu là cây cam chanh. Năm 2014, sau khi xây dựng kế hoạch rõ ràng, được gia đình, bạn bè ủng hộ, anh bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng của mình bằng việc khai hoang, phở đất trồng cam.
Đặc biệt, nhằm giảm chi phí đầu tư và lựa chọn được những giống cam chất lượng nhất, anh Thắng đã tự tay chiết ghép hơn 360 gốc cam chanh để trồng. Sau gần 4 năm miệt mài chăm bón, đến năm 2017, vườn cam của gia đình anh đã cho thu hoạch lứa quả bói đầu tiên trong niềm phấn khởi của anh và gia đình.
Một góc vườn cam 360 gốc của thanh niên Trần Quốc Thắng
Không thỏa mãn với những gì đang có, cùng với chăm sóc tốt trang trại của mình, tranh thủ thời gian rảnh rỗi anh Thắng lại tự mày mò, nghiên cứu cách ghép mới để nhân giống bán cho bà con. Từ vườn cam gốc của mình, mỗi năm anh ghép nhân giống và cung cấp cho khách hàng trên 3.000 cây cam giống. Không chỉ bán giống cây, anh còn nhiệt tình tư vấn miễn phí và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, bảo hành cho đến khi cây ra quả.
Trang trại của anh Trần Quốc Thắng hiện có hơn 360 gốc cam đang phát triển xanh tốt. Dự kiến, năm nay, vườn cam của gia đình anh sẽ cho trên 5 tấn quả, đem về nguồn thu trên 200 triệu đồng. Tính cả thu nhập từ việc bán cây giống, anh thu về trên 300 triệu đồng.
Mỗi năm anh Thắng cung cấp cho bà con trên 3.000 cây cam giống
Thắng tâm sự: “Ngoài chăm sóc vườn nhà, tôi luôn tranh thủ thời gian nghiên cứu sách báo, đi thăm quan các mô hình kinh tế ở các địa phương khác và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình làm kinh tế của gia đình mình cho nhiều đoàn viên thanh niên cũng như các gia đình trong thôn. Ngoài ra, tôi luôn tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ cây giống, tư vấn KHKT cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển kinh tế. Tôi rất vui vì đã góp phần giúp nhiều thanh niên trong vùng có thêm niềm tin, động lực trong phát triển kinh tế vườn đồi, làm giàu trên mảnh đất quê nhà”.