Trên 80 tuổi, ông vẫn khỏe mạnh, dẻo dai, vẫn say sưa sáng tác, luyện hát dân ca cho thế hệ trẻ.
Lớn lên từ những lời ru của mẹ, 8 tuổi đã được gia đình dạy hát dân ca, 14 tuổi tham gia đội văn nghệ của trường, xã, 17 tuổi được tuyển vào Đội Tuyên truyền văn hóa lưu động của tỉnh, dân ca ví, giặm cứ thế đã ăn vào máu thịt, trở thành duyên nghiệp của ông Trần Khánh Cẩm.
28 tuổi, mẹ mất vì bom Mỹ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Trần Khánh Cẩm xin về quê. Tại đây, ông thành lập đội văn nghệ để lấy “tiếng hát át tiếng bom” với nhiều vở diễn cổ vũ tiền tuyến, khích lệ hậu phương.
Cùng với gây dựng và phát triển phong trào, ông Cẩm mải miết trên hành trình 20 năm đi sưu tầm, tích lũy những làn điệu dân ca trong dân gian. Trên chiếc xe đạp cũ, không quản ngại nắng mưa, ông Cẩm tìm về các địa phương gặp người già để ghi lại những khúc dân ca lời cổ.
Nhật ký về cuộc hành trình cùng dân ca ví giặm của ông Cẩm ngày càng đầy theo năm tháng
Trong số hàng chục câu hát xưa được ông Cẩm tìm kiếm, cất giữ, nổi bật là bài “Giặm xay lúa” chỉ duy nhất có ở đất Kỳ Anh. Ông Cẩm cũng là người dày công nghiên cứu và xây dựng hội hát sắc bùa ngày xuân ở các xã: Kỳ Bắc, Kỳ Xuân, Kỳ Châu, Kỳ Hải.
Dù không hoạt động chuyên nghiệp nhưng với tài sáng tác, thiết kế, dàn dựng và năng khiếu biểu diễn của mình, ông Cẩm đã góp nhiều công sức cho các hội diễn lớn khắp trong và ngoài tỉnh.
Hàng trăm vở diễn, ca khúc, hoạt cảnh, kịch, tấu, hò, thơ, ca do ông sáng tác đã đoạt những giải thưởng lớn từ trung ương cho tới địa phương. Và hình ảnh người nghệ nhân tài ba trong rất nhiều vai: Từ sáng tác, dàn dựng đến tập luyện, biểu diễn đã trở nên gần gũi, thân thương trong trái tim những người yêu dân ca ví, giặm.
Nghệ nhân ưu tú Trần Khánh Cẩm trình diễn tác phẩm "Ô lục soạn"( Ảnh: Tư liệu)
Đến lúc tuổi cao, không còn đủ sức để rong ruổi kiếm tìm, sưu tầm những làn điệu cổ, nghệ nhân Trần Khánh Cẩm tập trung xây dựng, duy trì, phát triển CLB Dân ca ví, giặm tại xã Kỳ Bắc. Đặc biệt, gần đây, ông dành khá nhiều thời gian để đào tạo lớp trẻ kế cận ở độ tuổi 8-10 trên địa bàn xã và tham gia nói chuyện, tập luyện hát dân ca ví, giặm cho học sinh trong toàn tỉnh. Tôi thường dặn dò: “Bác Hồ trước lúc đi xa vẫn muốn nghe câu hò Xứ Nghệ. Các cháu là cháu ngoan Bác Hồ thì phải biết yêu, biết hát dân ca” - ông Cẩm nói.
Ông Trần Khánh Cẩm luyện hát dân ca ví giặm cho các thành viên CLB Dân ca ví giặm Kỳ Bắc. ( Ảnh: Tư liệu)
Nói về nghệ nhân Trần Khánh Cẩm, nhiều người chung cảm nhận rằng, tình yêu, trách nhiệm, sự hy sinh của ông cho nền văn nghệ dân gian Hà Tĩnh là rất lớn và rất hiếm. Còn với ông, niềm đau đáu còn lại đó là đến lúc những người cao tuổi không còn, liệu dân ca ví, giặm có được thế hệ sau thực sự gìn giữ, phát huy?
Năm nay, ông Cẩm đón nhận nhiều niềm vui: Tỉnh Hà Tĩnh bầu chọn ông là Nghệ nhân nhân dân và đang trình hồ sơ lên Bộ VH-TT&DL. Ông Cẩm cũng là một trong những điển hình của tỉnh vinh dự tham gia Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 70 năm Bác Hồ ra lời thi đua ái quốc.
Những món quà tặng đơn sơ trong các cuộc liên hoan, hội diễn dân ca, ví, giặm được ông Cẩm cất giữ như báu vật
Gặp ông trong chiều hè cuối tháng 6, trước lúc lên đường ra Thủ đô, ông Cẩm vui lắm. Ông nói: “Cả cuộc đời tôi đã bền bỉ thi đua yêu nước theo lời Bác dạy bằng chính niềm đam mê máu thịt của mình. Trời còn cho tôi khỏe để đi báo công với Bác, để tiếp tục cống hiến cho việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của quê hương, cũng là sự bù đắp cho hàng chục năm trời cống hiến “ăn cơm nhà, đi làm văn nghệ dân gian”.