Cách đây 2 tháng, chị N.T.P (42 tuổi - Lộc Hà - Hà Tĩnh) xuất hiện các cơn ho kéo dài, đau tức ngực, cơ thể mệt mỏi, sút cân nhanh nên đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, bác sỹ kết luận chị P. bị ung thư phổi giai đoạn 2.
Bác sỹ Hoàng Văn Thành thăm khám cho một bệnh nhân có tiền sử hàng chục năm hút thuốc lá.
Quá bất ngờ và hoang mang khi nhận kết quả đó nhưng chị hiểu ngay ra nguyên nhân khi bác sỹ hỏi “Chị có hút thuốc lá, thuốc lào không?”. Bản thân chị P. chưa bao giờ hút thuốc nhưng từ nhỏ chị đã phải sống chung với khói thuốc khi bố và anh trai chị là những người nghiện thuốc lá lâu năm. Đến lúc có gia đình, chồng chị cũng nghiện thuốc và thường xuyên hút thuốc trước mặt vợ con.
Chị P. đau đớn: “Tôi còn trẻ, các con đang còn tuổi ăn tuổi học. Bất ngờ nhận bản án tử như thế này, tôi không biết mình phải làm gì nữa. Tôi cũng đã lường trước được nguy cơ khi thường xuyên phải hít khói thuốc lá, nhưng không ngờ lại là căn bệnh ung thư quái ác!”.
Bác sỹ Hoàng Văn Thành - Phó trưởng Khoa Nội - Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Nhiều trường hợp bệnh nhân đến điều trị các bệnh về phổi, tim mạch, huyết áp... tại khoa có nguyên nhân từ thuốc lá, trong đó, rất nhiều người là nạn nhân của việc hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá thụ động cũng tác động tiêu cực đến sức khỏe con người không kém, thậm chí nhiều bệnh còn có nguy cơ mắc cao hơn so với hút thuốc chủ động”.
Nhiều trẻ em phải hút thuốc thụ động từ bố mẹ, người thân. Ảnh: Hà Linh.
Phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ là những đối tượng sẽ chịu tác động nặng nề, lâu dài về sức khỏe nếu phải hút thuốc lá thụ động. Phải tiếp xúc với khói thuốc lâu ngày, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ có nguy cơ mắc các bệnh như: trẻ bị sinh non, nhẹ cân, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh; viêm phế quản, viêm phổi... Trẻ cũng có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần khi chứng kiến người thân nghiện thuốc lá.
“Một số người nghĩ rằng việc mở cửa sổ hoặc sử dụng quạt sẽ ngăn chặn việc tiếp xúc với khói thuốc. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, độc tố từ khói thuốc không biến mất mà lưu lại rất lâu trong tóc, quần áo, thảm và đồ nội thất... Cách duy nhất để ngăn ngừa nhiễm khói thuốc là phải tạo môi trường sống không khói thuốc” - bác sỹ Thành khuyến cáo.
Từ bỏ thuốc lá là cách bảo vệ bản thân và gia đình tốt nhất khỏi tác hại của khói thuốc. (Ảnh minh họa internet).
Muốn làm được điều đó thì trước hết người hút thuốc lá chủ động phải sớm từ bỏ thói quen hút thuốc hoặc có ý thức hút thuốc ngoài không gian sống của gia đình, đặc biệt là tránh xa trẻ em, phụ nữ mang thai, người già.
Đối với những gia đình có người hút thuốc, cần thống nhất về những quy định đảm bảo an toàn để bảo vệ sức khỏe cho các thành viên.
Chị Phạm Hà Anh (phường Thạch Quý - TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Chồng tôi hút thuốc nhiều năm nay nhưng tôi không bao giờ cho phép anh ấy hút trong xe ô tô, trong nhà hay hút trước mặt con. Tôi cũng đề nghị khách đến chơi nhà không được hút thuốc. Đồng thời, dạy con phải luôn tránh xa những nơi có khói thuốc để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân”.
Hút thuốc lá thụ động (hay còn gọi là hút thuốc lá không tự nguyện) là hít phải khói thuốc trong không khí mà không trực tiếp hút. Theo các nghiên cứu khoa học, trong khói thuốc có hàng chục chất độc như: hợp chất hữu cơ benzopyrene, chì, carbon monoxide, asen, ammoniac, xyanua, hợp chất hữu cơ formaldehyde... Một số chất độc hại này từ không khí đi vào phổi và máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh của nhiều người. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sống cùng một người hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi từ 20%-30%; việc tiếp xúc với khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư khác ít nhất là 30%. |