COPD là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Bệnh đặc trưng bởi sự rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoàn toàn; tiến triển kéo dài nhiều năm, dẫn đến tâm phế mạn và có thể gây tử vong.
Phòng khám Nội - Tổng hợp đang lập hồ sơ theo dõi hàng trăm bệnh nhân COPD điều trị ngoại trú.
Tại Khoa Nội - Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, trung bình mỗi tháng có khoảng 40 lượt bệnh nhân COPD đến điều trị, trong đó, 80% bệnh nhân có tiền sử liên quan đến thuốc lá.
Hút thuốc lá 40 năm nay, những năm gần đây, ông P.H.B (xã Hương Bình - Hương Khê) bị mắc COPD. Mỗi lúc thời tiết chuyển mùa, ông B. lại phải nhập viện điều trị các đợt cấp. “Trước đây, mỗi ngày, tôi hút 2 gói thuốc, sau giảm dần còn 1 gói. Tuổi càng cao sức khỏe càng giảm sút, các cơn ho kéo dài, tức ngực, khó thở. Mỗi lần vào viện được các y, bác sỹ điều trị từ một tuần đến 10 ngày nhưng bệnh mãn tính nên không khỏi hẳn được”, ông B. chia sẻ.
Bác sỹ Hoàng Văn Thành điều trị cho bệnh nhân COPD có tiền sử nghiện thuốc lá hàng chục năm.
Bác sỹ CKI Hoàng Văn Thành - Phó trưởng Khoa Nội - Tổng hợp cho biết: “Đa số bệnh nhân nhập viện điều trị COPD trong tình trạng bệnh đã nặng, hầu hết có tiền sử nghiện thuốc lá. Ngay cả khi phát bệnh, nhiều người vẫn không thể bỏ hẳn được thuốc lá nên bệnh càng trầm trọng hơn”.
Hiện nay, ngoài số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Khoa Nội - Tổng hợp, mỗi ngày, Phòng khám Nội - Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cũng đón khoảng 20 lượt bệnh nhân COPD đến thăm khám, theo dõi.
Đến nay, đơn vị đã lập hồ sơ quản lý, điều trị ngoại trú cho hàng trăm bệnh nhân COPD. Hằng tháng, bệnh nhân đến khám bệnh, kiểm tra định kỳ được các y, bác sỹ hướng dẫn cách dùng thuốc và các dụng cụ hỗ trợ hô hấp. Qua thăm khám, theo dõi, bệnh nhân nặng sẽ được bác sỹ chỉ định nhập viện điều trị, đến khi ổn định thì chuyển điều trị ngoại trú.
Để hạn chế, kiểm soát các đợt cấp đối với bệnh nhân COPD nói chung, bệnh nhân COPD có tiền sử hút thuốc lá nói riêng, bác sỹ Hoàng Văn Thành khuyến cáo: “Việc đầu tiên người bệnh cần làm là bỏ thuốc lá, bỏ càng sớm thì chức năng hô hấp của phổi càng được cải thiện. Hút thuốc lá thụ động cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh nên người nhà phải hạn chế, tạo môi trường sống trong lành cho bệnh nhân”.
Hút thuốc lá có nguy cơ khiến bệnh trầm trọng hơn. Ảnh tư liệu của Phúc Quang
Bên cạnh đó, bệnh nhân phải tuân thủ hướng dẫn của bác sỹ về cách dùng các loại thuốc xịt, thuốc hít, khí dung... Chế độ dinh dưỡng phải được đảm bảo đủ các nhóm chất, tăng cường thực phẩm chống viêm, chống oxy hóa, nhiều chất xơ; chế độ luyện tập, vận động vừa phải, phù hợp tình trạng sức khỏe của người bệnh...
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm đối với bệnh nhân COPD càng cao. Bệnh nhân COPD vốn chức năng phổi đã kém, khả năng đề kháng rất hạn chế, nguy cơ tử vong cao nếu bị vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập.
Bảng hướng dẫn cách dử dụng thuốc dành cho bệnh nhân COPD.
"Hơn ai hết, bệnh nhân mắc COPD càng phải thực hiện chiến lược “5K + vắc-xin” một cách nghiêm túc nhất. Vắc- xin sẽ là “lá chắn” bảo vệ cho người bệnh, tuy nhiên, tiêm vắc-xin cho bệnh nhân COPD cũng cần phải lưu ý đến các vấn đề như: bệnh nhân phải ở giai đoạn ổn định (không trong đợt cấp); kiểm soát tốt các chỉ số nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ... Sau tiêm, nếu có dấu hiệu bất thường phải báo ngay cho bác sỹ để kịp thời xử lý” - bác sỹ Thành lưu ý.