Đoạn văn trên trích dẫn từ bài văn thứ 2 đạt điểm 10 trong kỳ thi tuyển sinh Đại học tại Trung Quốc năm 2016.
Liên quan tới đề văn mở và giàu hình ảnh của kỳ thi tuyển sinh Đại học tại Trung Quốc năm 2016, có tổng cộng 3 bài văn đạt điểm 10. Ngay sau khi đăng tải, bài văn số 1 - “Bài Văn điểm 10 thi đại học “thức tỉnh” các ông bố bà mẹ” đã nhận được sự chia sẻ, phản hồi của hàng nghìn bạn đọc cả nước, đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Kỳ vọng thái quá, áp lực nặng nề của cha mẹ lên con trẻ dường như vẫn diễn ra ở nhiều gia đình Việt Nam. Đề văn và bài làm của thí sinh Trung Quốc có lẽ vì thế trở nên rất gần, khiến nhiều ông bố bà mẹ Việt "thức tỉnh".
Câu chuyện về thành tích và áp lực của phụ huynh lên học sinh rất đáng suy ngẫm. Dân trí giới thiệu tiếp tới bạn đọc bài văn số 2 (trong số 3 bài) đạt điểm 10 tuyệt đối kỳ thi ĐH tại Trung Quốc 2016.
Bài văn có tiêu đề “Thành tích như chiếc lá, đừng để lá che mắt”. Thí sinh đạt điểm 10 đã ví thành tích/điểm số/giải thưởng của con trẻ ở trường lớp như lá cây. Nhiều phụ huynh chỉ chăm chăm nhìn vào chiếc lá để đánh giá sự trưởng thành của con mình (vốn như một cái cây)…
Mời bạn đọc tham khảo và bàn luận.
Hình ảnh trong đề Văn mở thi Đại học của Trung Quốc năm 2016.
Bài làm thứ hai đạt điểm 10 tuyệt đối:
Thành tích như lá, đừng để lá che mắt…
Trong bức tranh châm biếm, học sinh A đạt 100 điểm liền được thưởng một nụ hôn, nhưng thành tích sau đó chỉ vì 98 điểm liền bị phạt bằng cái tát tay. Học sinh B ban đầu chỉ đạt có 55 điểm nên trên mặt bị in hằn bàn tay của cái tát, sau đó thành tích nâng lên 61 điểm liền được thưởng một nụ hôn.
Xem xong bức tranh châm biếm này, bất giác phải đăm chiêu suy nghĩ, chỉ vì thành tích số điểm tăng giảm nhất thời mà được thưởng hoặc bị phạt như vậy, quả thực là quá sai lầm. Thực ra, học sinh như gốc cây đang trưởng thành, thành tích như những chiếc lá trên cây. Không nên vì lá cây xanh tươi đẹp mắt mà quá vui mừng hớn hở, càng không nên vì lá cây không đẹp mắt mà phủ nhận hết rồi ra tay phạt thẳng thừng, đừng nên bị lá che mắt.
Học sinh trong quá trình trưởng thành, không phải chỉ có học tập, không phải chỉ có số điểm, mà nên còn có "niềm hứng thú và những mục tiêu xa". Nhưng trong môi trường lớn chỉ nhằm vào số điểm thành tích mà đánh giá tốt xấu, học sinh buộc phải theo đuổi thục mạng cho làm sao để có thể nâng cao số điểm, không được thụt lùi một chút nào hết, thậm chí còn bị đòi hỏi khắt khe thành tích phải đạt điểm tối đa.
Thành tích như chiếc lá che mắt nhiều bậc phụ huynh…
Đây là hành vi trái với quy luật, quá trình trưởng thành của học sinh cần có sự từng trải của hạnh phúc càng cần có những trải nghiệm của khó khăn và trắc trở. Trong quá trình học tập, học sinh phải có nhận thức cần phải bỏ mồ hôi ra, cũng nên biết rằng không phải sau mỗi lần cố gắng đều có thể tiến bộ được ngay tức khắc. Nên biết rằng sự tiến bộ chưa chắc đã có sự thể hiện ngay bằng điểm số thành tích, nên biết rằng số điểm thành tích lúc lên lúc xuống là hiện tượng bình thường. Chỉ có cố gắng học tập một cách bền bỉ, không ngừng tích lũy mới có thể khiến chính mình trưởng thành hơn, mới có thể nở hoa kết trái của nhân sinh.
Cha mẹ là những người hết sức quan trọng trong cuộc sống của con cái. Làm sao cha mẹ có thể đánh giá một cách tùy ý số điểm của thành tích mà bất chấp sự phát triển toàn diện của con cái mình.
Học sinh tựa như một gốc cây, thành tích học tập như lá cây vậy phụ huynh đừng nên bị lá cây che khuất mắt. Cũng như hiện tượng nói trên, tại Trung Quốc các trường Trung học và Tiểu học phải đương đầu với nhiều áp lực về tỉ lệ học sinh thi đỗ lên các cấp, nhiều khi vì thành tích số điểm của học sinh mà như lá che khuất mắt vậy. Ví dụ như tương đối phiến diện trong đánh giá trình độ dạy học của giáo viên, thường chỉ đánh giá giáo viên bằng thành tích thi cử trong giai đoạn cuối kỳ nào đó của lớp học do họ phụ trách mà không trông thấy những công sức miệt mài đổ mồ hôi vất vả của giáo viên trong thường ngày. Càng không thấu hiểu những trăn trở của giáo viên nơi bục giảng. Cũng như vậy thôi việc giảng dạy của giáo viên không chỉ giới hạn trong điểm số của học sinh. Giáo viên cũng như gốc cây vậy thành tích như lá cây, nhà trường đừng bị lá cây che mắt.
Thành tích lợi ích đều như lá cây chớ nên bị lá cây che mắt. Tất nhiên con người khó tránh khỏi giới hạn bởi các sự vật bên ngoài che khuất. Bất cứ sự vật nào cũng cần có tiêu chuẩn cân đo bằng các con số nhất định nhưng không thể chỉ nhằm vào các chỉ số mà không thể thấy được toàn diện và tổng thể. Nên cần có tiêu chuẩn đánh giá và phương thức bình phẩm đa nguyên và toàn diện mới tránh khỏi hiện tượng bị lá che mắt.
(Bài làm của thí sinh tỉnh Giang Tây, Trung Quốc)
***
Là người thông thạo tiếng Trung, thầy giáo Trịnh Quỳnh (giáo viên Văn học tại tỉnh Nam Định) cho biết, bắt đầu từ ngày 7/6 vừa qua, hơn 9,4 triệu thí sinh Trung Quốc đã bước vào kỳ thi Cao khảo. Đây là căn cứ để xét tuyển vào các trường Đại học và Cao đẳng.
Theo đó từ năm 2017, đã có 27 tỉnh và các sở lựa chọn đề chung của Bộ Giáo dục nước này. Năm 2017 cũng được coi là năm đầu tiên tuyển sinh Đại học theo lối mới, trong đó các trường ở Chiết Giang, Thượng Hải đã đi đầu trong việc tuyển sinh này với nhiều tiêu chí lựa chọn, thời gian tuyển chọn 2 lần một năm nhằm mở rộng cơ hội trúng tuyển cho các ứng viên.
Để giải tỏa những áp lực thi cử, các bạn học sinh lại có dịp chia sẻ những bài văn đạt điểm tối đa năm 2016 để cùng tham khảo và học hỏi. Trong đó có nhiều bài làm gây ấn tượng về cách thức lập luận, tư duy mới mẻ và giàu cảm xúc.
“Bài làm trên đây là một minh chứng khi bàn về vấn đề điểm số và thành tích trong giáo dục khiến nhiều người phải suy ngẫm, nhất là các bậc phụ huynh, giáo viên và những người làm giáo dục”, thầy Trịnh Quỳnh chia sẻ.