Sông Quèn chảy qua địa bàn các xã: Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn, Cẩm Trung, Cẩm Hà, Cẩm Lộc của huyện Cẩm Xuyên; chiều dài hơn 14 km, điểm đầu từ kênh N2 hồ Thượng Tuy, xã Cẩm Thịnh, điểm cuối là cầu sông Quèn đoạn xã Cẩm Lộc.
Vào mùa mưa, sông Quèn có nhiệm vụ tiêu thoát lũ, chống ngập úng cho 1.950 ha diện tích sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Trong sản xuất, sông Quèn cung cấp nước tưới cho gần 650 ha đất nông nghiệp của các xã phía Nam Cẩm Xuyên. Trải qua hàng chục năm chống chọi với thiên nhiên, hiện nay, sông Quèn đang bị bồi lắng, lòng sông cạn dần khiến cho nhiệm vụ tiêu úng, thoát lũ gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Viết Đồng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc cho biết: “Trước đây, lòng sông sâu hơn 2m nhưng trải qua thời gian, nước từ thượng nguồn đổ về kéo theo phù sa khiến sông bị bồi lắng, chỗ sâu nhất hiện cũng chỉ còn khoảng 1,2 m. Lòng sông bị bồi lấp ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của địa phương. Vào mùa khô, sông thường kiệt nước còn mùa mưa thì không thoát lũ kịp, gây ngập úng tại nhiều địa phương”.
Tại địa bàn xã Cẩm Hà, theo người dân địa phương, trước đây, để đi qua bên kia sông, người dân phải di chuyển bằng thuyền. Tuy nhiên, sau nhiều năm bị bồi lắng, giờ người dân qua sông nước chỉ xấp xỉ đầu gối.
Không chỉ đối mặt với tình trạng bồi lắng, hiện nay, các công trình tiêu thoát lũ, ngăn mặn giữ ngọt nằm trên tuyến sông Quèn cũng đang xuống cấp, hư hỏng; ảnh hưởng lớn đến chức năng điều tiết dòng chảy. Tại cống sông Quèn ở xã Cẩm Lộc, hệ thống vận hành sau hàng chục năm sử dụng nay bị hư hỏng các hạng mục như: vai cống, cánh cống... khiến nước rò rỉ, không đảm bảo mục tiêu giữ nước vào mùa khô và ngăn nước mặn xâm thực khi xảy ra triều cường.
Ông Nguyễn Viết Đồng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc chia sẻ: “Cống tràn được xây dựng từ trước năm 1999, hiện đã xuống cấp. Bên cạnh đó, đập tràn là con đường đi lại sản xuất của người dân nay cũng hư hỏng, mặt trên bị sụt lún nhiều điểm khiến xe cộ không thể lưu thông. Nhiều năm liền, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân thường xuyên kiến nghị lên chính quyền các cấp để đầu tư xây dựng lại cống tràn và đập tràn nhưng chưa có kết quả”.
Trước tình trạng sông Quèn bị bồi lắng, công trình tiêu thoát lũ xuống cấp, UBND huyện Cẩm Xuyên đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng và kiến nghị, đề xuất các giải pháp lên các sở, ngành liên quan.
Về lâu dài, sông Quèn cần được nạo vét, các công trình tiêu thoát lũ trên sông cần được đầu tư nâng cấp để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của Nhân dân; chống xâm thực của nước biển vào sâu trong đất liền; tăng khả năng tiêu thoát lũ trong mùa mưa bão.
UBND huyện đã nhiều lần có báo cáo về thực trạng và giải pháp đối với các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai trọng điểm trên địa bàn để gửi các sở, ban ngành liên quan như: sông Quèn, sông Nạc, kênh Xô viết; xây mới, nâng cấp một số công trình trên tuyến; sửa chữa cụm tràn, cống sông Quèn; sửa chữa cống sông Nạc... Hi vọng, trong thời gian tới, dự án được Trung ương và địa phương đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để đảm bảo nhiệm vụ tiêu thoát lũ, phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh của Nhân dân các xã phía Nam Cẩm Xuyên.
Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên