Trên cơ sở các nội dung của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, Hà Tĩnh đã cụ thể hóa, ban hành nhiều văn bản tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc và cấp ủy cơ sở đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai cụ thể sát với tình hình thực tế.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Thạch báo cáo kết quả của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII
Đến nay 262/262 xã, phường, thị trấn đã xây dựng đề án và được thẩm định, báo cáo với BTV các huyện, thành, thị ủy. Một số nơi, việc xây dựng đề án được thực hiện khá công phu, trên cơ sở đánh giá thực trạng, tình hình tổ chức bộ máy, chất lượng cán bộ, công chức, khối lượng công việc.
Đối với huyện, thành phố, thị xã, đến nay đã có 4 đơn vị gửi đề án về Ban Tổ chức Tỉnh ủy; 9 huyện, thành phố, thị xã đã xây dựng đề án, thông qua ban thường vụ lần 1, lần 2.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Việc sáp nhập xã cần tuyên truyền sâu rộng, bài bản về cách làm, lộ trình thực hiện để cán bộ, đảng viên và người dân nắm bắt, có sự đồng thuận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng: Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy phải theo hướng càng tinh gọn thì sẽ càng hiệu quả. Trong đó, chú trọng nhìn nhận đầu mối để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.
Ở cấp tỉnh, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo Văn phòng Tỉnh ủy xây dựng xong đề án văn phòng cấp ủy phục vụ chung; Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu xây dựng đề án sắp xếp, kiện toàn Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh. Một số cơ quan cấp tỉnh như: Ủy ban MTTQ, Hội LHPN, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân đã tiến hành sắp xếp, sáp nhập một số phòng ban.
Ở khối chính quyền, BCH Đảng bộ tỉnh đã thảo luận, cho ý kiến 3 đề án và đã có thông báo của BTV Tỉnh ủy để triển khai thực hiện. Hiện nay, Sở Y tế, Sở GD&ĐT đang tham mưu xây dựng kế hoạch để triển khai đề án.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Việc sáp nhập, sắp xếp một số phòng ban ở cấp huyện nên nghiên cứu kỹ lưỡng, nhất là tính khả thi, phù hợp khi thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Đối với lộ trình thực hiện các đề án, cần giao cho ban thường vụ các huyện, thành phố, thị xã và để cho các địa phương làm thí điểm sau đó có báo cáo cụ thể. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ làm từng bước, bài bản.
Cho ý kiến tại buổi làm việc, các ủy viên BTV Tỉnh ủy cho rằng, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy theo nghị quyết cần thực hiện một cách có lộ trình, nghiên cứu kỹ lưỡng, không nóng vội; có kế hoạch tuyên truyền, lấy ý kiến sâu rộng, bài bản trong các tầng lớp nhân dân, cán bộ đảng viên; quá trình sáp nhập, sắp xếp phải giải quyết được những bất cập, tồn tại của bộ máy, không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ.
Ngoài ra, đại biểu cũng đã góp ý một số phương án của Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề xuất về thực hiện một số nội dung theo Nghị quyết 18-NQ/TW và Kết luận 34-KL/TW của Bộ Chính trị trong thời gian tới.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng: Việc sáp nhập xã sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định bộ máy, tâm lý cán bộ, đảng viên, nhân dân. Chính vì vậy, nên chờ Trung ương có hướng dẫn cụ thể.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn ghi nhận những ý kiến góp ý đầy tinh thần, trách nhiệm cao của các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy.
Đối với từng nội dung cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, đối với thôn, khuyến khích mô hình bí thư kiêm thôn trưởng; bố trí không quá 3 người hoạt động không chuyên trách và không quá 4 người thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ khác.
Về sáp nhập xã, đây là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng rộng nên lộ trình và nội dung sẽ chờ hướng dẫn cụ thể của Trung ương để triển khai.
Đối với cấp huyện, khuyến khích sáp nhập ban tuyên giáo với ban dân vận gắn với trung tâm bồi dưỡng chính trị. Về khối văn phòng, thống nhất cho phép sáp nhập 3 văn phòng, nhưng không áp đặt, nơi nào có đề xuất đăng ký làm thì sẽ cho phép triển khai.
Ở khối chính quyền, đối với 2 lĩnh vực y tế và giáo dục, thực hiện theo thông báo của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết HĐND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo triển khai sớm; đôn đốc, triển khai việc sáp nhập đài truyền thanh - truyền hình huyện với trung tâm VH-TT&DL.
Đối với mô hình sáp nhập phòng nội vụ với ban tổ chức, thanh tra với UBKT cấp huyện, những nơi nào có đủ điều kiện và đề xuất làm thì tỉnh ủng hộ.
Đối với hợp nhất Đảng ủy Khối các Cơ quan tỉnh và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh sẽ thực hiện theo phương án 2 của Kết luận 34-KL/TW của Bộ Chính trị; thống nhất chuyển 2 đảng bộ là Đại học Hà Tĩnh và Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh về Đảng ủy trực thuộc.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu, đối với việc xây dựng cơ chế chính sách cho cán bộ sau sắp xếp, tinh giản, trên cơ sở chính sách của 2 ngành giáo dục và y tế, Sở Nội vụ cần xây dựng cơ chế chính sách cho toàn tỉnh để triển khai đồng bộ.