Thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, đến nay, huyện Đức Thọ đã xây dựng 6 đề án, trong đó: 2 đề án tổng thể về thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị và các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn; 4 đề án chi tiết hợp nhất, sáp nhập ban, phòng cấp huyện.
Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết
Đối với cấp xã, thị trấn, từ năm 2018 - 2021, Đức Thọ sẽ sáp nhập 24 xã, thị trấn thành 9 xã, thị trấn; hợp nhất văn phòng thống kê, nội vụ xã, thị trấn với văn phòng đảng uỷ xã, thị trấn; hợp nhất 4 tổ chức hội; tiếp tục thực hiện nhất thể hoá chức danh bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND xã những nơi có đủ điều kiện.
Đến nay, Đức Thọ đã hoàn thành đề án tổng thể sáp nhập xã gửi Sở Nội vụ.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Đồng tình lộ trình về sáp nhập xã từ nay đến 2021 của Đức Thọ, tuy nhiên cần phải cân nhắc đến thời gian diễn ra đại hội Đảng và bầu cử HĐND các cấp.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Thạch: Huyện cần tiếp tục rà soát, đánh giá thật kỹ bộ máy để biết được cái nào chồng chéo, cái nào trùng lặp từ đó mới đưa ra được giải pháp tăng giảm, cắt bớt một cách khoa học, hiệu quả và thuyết phục.
Góp ý đề án, các ủy viên BTV Tỉnh ủy cho rằng, Đức Thọ đã xây dựng đề án một cách công phu, táo bạo và với quyết tâm thực hiện cao.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực, huyện cần đánh giá, nghiên cứu thật kỹ lưỡng thực trạng, chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị trước khi tổ chức sắp xếp, tinh giản; cần nắm bắt ý kiến các xã trong diện sáp nhập; tính toán và có những chính sách cụ thể cho đội ngũ cán bộ dôi dư; khi tổ chức thực hiện cần phải đồng bộ và có sự đồng thuận, dân chủ cao trong lãnh đạo chỉ đạo, tránh duy ý chí.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Trong việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, Đức Thọ cần tập trung theo hướng hoàn thiện những phần việc dễ trước, những việc khó, phức tạp cần nghiên cứu, đánh giá kỹ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng: Nghị quyết là cả một quá trình, không được nóng vội. Chính vì vậy, tỉnh cần xem xét, đánh giá hiện nay Đức Thọ có thể làm được những việc gì, trên cơ sở đó, tỉnh có văn bản cho ý kiến.
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn hoan nghênh sự nỗ lực, cố gắng của BTV Huyện ủy Đức Thọ trong việc xây dựng các đề án.
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, khi xây dựng các đề án cần nhìn từ thực tiễn và tính khả thi để thực hiện. Do đó cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình bàn bạc, cần phát huy tối đa dân chủ, làm có lộ trình bài bản, sát với thực tiễn, không đốt cháy giai đoạn.
Những việc đúng nghị quyết, không phải làm thí điểm, không phải xin ý kiến thì huyện cần chủ động làm; những việc đúng nghị quyết phải làm thí điểm, phải xin ý kiến thì địa phương cần nghiêm túc triển khai đảm bảo sự thống nhất theo Kết luận số 34 - KL/TW của Bộ Chính trị.
Đối với thôn, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, Đức Thọ cần khuyến khích cán bộ cấp xã xuống thôn kiêm nhiệm làm nhiệm vụ; khuyến khích bí thư kiêm thôn trưởng, đồng thời khoán kinh phí.
Đối với sáp nhập xã, những xã không đạt 50% cả 2 tiêu chí dân số và diện tích thì việc sáp nhập là tất yếu. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thật kỹ, không áp đặt và chờ ý kiến hướng dẫn cụ thể của Trung ương, sau đó tỉnh sẽ nghe một đề án riêng. Đối với việc sáp nhập Phòng LĐTB&XH vào Phòng Nội vụ và xóa bỏ Phòng Y tế cần cân nhắc và tiếp tục nghiên cứu; đồng tình với việc sáp nhập Thanh tra với UBKT.