Sinh ra tại mảnh đất Đô Lương (Nghệ An), từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Tài (SN 1981) đã gắn bó với nghề truyền thống làm bánh đa của gia đình. Năm 2012, khi về làm dâu tại vùng núi Hương Khê (Hà Tĩnh), chị Tài tiếp tục với nghề truyền thống này.
Nhờ hương vị thơm ngon, bánh đa của chị Tài nhanh chóng được nhiều khách hàng đón nhận. Để phát triển thương hiệu bánh đa với quy mô lớn hơn, năm 2017, chị Tài đầu tư các thiết bị máy móc với số vốn 500 triệu đồng, đăng ký trở thành hộ kinh doanh với tên gọi “Bánh đa gia vị đặc biệt Phú Tài”. Đầu tư nghiêm túc để phát triển thương hiệu, năm 2020, sản phẩm "Bánh đa gia vị đặc biệt Phú Tài" chính thức được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Chị Tài chia sẻ: “Khi đạt chuẩn OCOP 3 sao, chúng tôi hiểu rằng, sản phẩm của mình không đơn thuần để kinh doanh, phát triển kinh tế mà còn gắn với văn hoá, truyền thống của quê hương. Trách nhiệm càng lớn, chúng tôi càng tích cực sản xuất, nâng cao chất lượng mỗi ngày”.
Để làm nên chiếc bánh đa thơm ngon, vừa giữ được hương vị truyền thống, vừa tạo nên sự khác biệt so với nhiều sản phẩm trên thị trường, theo chị Tài, nguyên liệu là yếu tố quyết định tới 90%.
“Thông thường, chúng tôi sử dụng loại gạo Khang Dân của huyện Hương Khê có màu trắng, không quá dẻo để làm bánh. Đối với vừng đen, phải là vừng loại 1, hạt chắc và đạt từ 93 - 95 hạt. Các gia vị khác như: tỏi, tiêu, muối hạt… được trộn theo tỉ lệ nhất định. Khi nướng bánh cũng cần điều chỉnh nhiệt độ cân đối, sao cho bánh không quá giòn, dễ gãy, vỡ nhưng độ ẩm cũng không quá cao khiến bánh dễ bị mốc, khó bảo quản” – chị Tài nói.
Khi nướng lên, hương vị của hạt vừng quyện với mùi thơm cay nồng của tỏi, tiêu và các loại gia vị khác tạo nên vị thơm ngon rất riêng của bánh đa Phú Tài.
Năm 2022, chị Tài quyết định chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang thành lập công ty với tên gọi Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Phú Đức. Thời điểm này, chị Tài và chồng là anh Đoàn Đăng Phong đầu tư xây dựng xưởng sản xuất có diện tích 72 m2, nhà nướng bánh và nhà kho đóng gói bảo quản. Công ty tiến hành xây dựng sân phơi nền bê tông có tường rào, hệ thống giá phơi bằng kim loại. Các thiết bị, máy móc cũng liên tục được đầu tư, nâng cấp, trong đó có: buồng sấy, hệ thống xử lý nước thải, máy xay bột, máy tráng bánh, máy nướng bánh, máy đóng gói…
“Trước đây, khi tráng bánh thủ công, cơ sở chỉ tráng được khoảng 50kg gạo/ngày, giờ đây, khi có sự hỗ trợ của máy móc, trung bình mỗi ngày cơ sở tráng khoảng 500kg gạo. Ứng dụng máy móc giúp năng suất cao hơn, kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn, đồng thời giảm thiểu chi phí và tiết kiệm nhân công.” – chị Tài cho hay.
Hiện nay, thương hiệu bánh đa gia vị đặc biệt Phú Tài đã trở thành thương hiệu nông sản sạch được nhiều khách hàng trên cả nước tin dùng. Nhờ sự nỗ lực trong khâu quảng bá, kết nối tại các hội chợ trong nước và quốc tế, bánh đa Phú Tài đã trở thành “sứ giả” của phố núi Hương Khê có mặt tại nhiều đại lý khắp các tỉnh thành phố như: Quảng Bình, Nghệ An, Bình Dương, Sóc Trăng, Hà Nội, Hải Phòng… Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 15.000 sản phẩm. Với mức giá bán 2.500 đồng/sản phẩm, doanh thu năm 2023 đạt 4 tỷ đồng.
Không chỉ lưu giữ nét đẹp của nghề truyền thống địa phương, công ty còn là nơi tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình đạt 6 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Ánh (SN 1984, trú tại xã Hương Thuỷ, Hương Khê) cho biết: “Có sự hỗ trợ của nhiều thiết bị, máy móc hiện đại nên công việc tại xưởng không quá vất vả. Những công đoạn làm bánh tại xưởng được chúng tôi thực hiện kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đến tay người dùng. Tôi cảm thấy phấn khởi khi được làm việc, gắn bó với một sản phẩm truyền thống của quê hương, vừa có mức thu nhập ổn định”.
Với mong muốn nâng hạng lên OCOP 4 sao trong năm 2024, thời điểm này, chị Tài cùng nhiều thành viên của công ty đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ, kết nối hợp tác, mở rộng kinh doanh với các đơn vị tại Thái Lan.
“Sau các chuyến đi xúc tiến thương mại cùng Sở Công thương Hà Tĩnh tại Thái Lan tháng 9/2023, tôi nhận thấy khách hàng tại đây rất quan tâm và yêu thích sản phẩm "Bánh đa gia vị đặc biệt Phú Tài". Do vậy, chúng tôi đang đầu tư thêm về bao bì, mẫu mã, nỗ lực để sớm chiếm được thị phần tại quốc gia này. Đây là cơ hội để sản phẩm truyền thống của quê hương Hà Tĩnh đến gần hơn với bạn bè quốc tế cũng như đáp ứng thêm các tiêu chí giúp nâng hạng lên OCOP 4 sao trong năm 2024” – chị Tài nói.
Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Phú Đức không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn bảo tồn những giá trị văn hoá, truyền thống tốt đẹp. UBND thị trấn Hương Khê hiện đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân tiếp cận chương trình OCOP. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, ổn định các tiêu chí sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Dương Ngọc Hoàng - Chủ tịch UBND thị trấn Hương Khê