"Gập ghềnh" đường đến nền tảng số của chủ thể OCOP

(Baohatinh.vn) - Nền tảng số góp phần quan trọng trong việc quảng bá, phát triển các sản phẩm OCOP, tuy nhiên, nhiều chủ thể tại Hà Tĩnh vẫn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận.

Bà Đặng Thị Thanh - chủ cơ sở kẹo cu đơ Thư Viện Đặng Thanh (đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) đã có gần 50 năm gắn bó với sản phẩm đặc sản này. Với đặc trưng sản phẩm kẹo sử dụng 100% nguyên liệu tự nhiên, giữ gìn cách nấu bếp truyền thống, kẹo cu đơ Thư Viện Đặng Thanh nức tiếng trong cả nước. Năm 2023, kẹo cu đơ Thư Viện Đặng Thanh chính thức được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Sản phẩm kẹo cu đơ Thư Viện Đặng Thanh chủ yếu được bán trực tiếp.
Sản phẩm kẹo cu đơ Thư Viện Đặng Thanh chủ yếu được bán trực tiếp.

Bà Thanh cho biết, trước đây, cửa hàng chú trọng nhiều vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ gìn những đặc trưng riêng trong cách chế biến, sử dụng nguyên liệu... Tuy nhiên, từ khi được chứng nhận OCOP, cơ sở hiểu rõ cần phải quảng bá, phát triển thêm về thương hiệu, logo, bao bì, mẫu mã… Từ đó, cơ sở đã nhiều lần hợp tác với các đơn vị truyền thông, các cá nhân livestream bán hàng, định vị số điện thoại, địa chỉ trên ứng dụng Google Maps…

Dù vậy, theo đánh giá từ bà Thanh, doanh thu từ các nền tảng số mang lại đối với cửa hàng không đáng kể, thương hiệu Cu đơ Thư Viện vẫn tiếp nhận lượng khách hàng phổ biến bằng hình thức kinh doanh trực tiếp, bán hàng truyền thống qua các đại lý.

“Khi xây dựng các nền tảng mạng xã hội để bán hàng, chúng tôi sẽ phải bỏ thêm các khoản phí nền tảng, phí quảng cáo… Điều đó đồng nghĩa với việc chi phí sản phẩm sẽ tăng cao, do đó, khó tiếp cận được đông đảo khách hàng” – bà Thanh chia sẻ.

Cũng theo bà Thanh, đối tượng sử dụng mạng xã hội ở nhiều độ tuổi khác nhau, để tiếp cận đúng tệp khách hàng mục tiêu không phải là điều dễ dàng. Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều nhãn hiệu "Cu đơ Thư Viện không chính hãng" làm ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng khi giao dịch online.

Bà Đặng Thị Thanh mong muốn giữ gìn thương hiệu Cu đơ Thư Viện khi tiếp cận các nền tảng bán hàng.

Bà Đặng Thị Thanh mong muốn giữ gìn thương hiệu Cu đơ Thư Viện khi tiếp cận các nền tảng bán hàng.

“Cái khó nhất của thương hiệu Cu đơ Thư Viện khi tiếp cận các nền tảng bán hàng chính là chi phí sản phẩm và nhận diện thương hiệu. Việc thiếu các nhân sự có chuyên môn cao trong lĩnh vực kinh doanh trên sàn thương mại khiến chúng tôi khó có thể tiếp cận đến khách hàng, nhất là trong bối cảnh các thương hiệu “nhái” xuất hiện tràn lan” – bà Thanh chia sẻ.

Cũng là một trong những chủ thể OCOP nổi bật của Hà Tĩnh, anh Đoàn Đăng Phong - Giám đốc thương hiệu Bánh đa gia vị đặc biệt Phú Tài (thị trấn Hương Khê) cho biết: “Từ năm 2018, sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, tôi bắt đầu xây dựng các nền tảng để quảng cáo, truyền thông sản phẩm. Với mức kinh phí bỏ ra hơn 20 triệu đồng, tôi xây dựng 2 website cho thương hiệu của mình là nongsansachhatinh.com và phuduchatifood.com.vn; xây dựng thêm các kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử Lazada và nền tảng Facebook”.

Kênh bán hàng trên nền tảng Google của anh Đoàn Đăng Phong.

Kênh bán hàng trên nền tảng Google của anh Đoàn Đăng Phong.

Không phủ nhận tính quảng bá mà các nền tảng số mang lại, anh Phong cho biết, từ khi được chứng nhận OCOP và mở rộng quảng bá trên các nền tảng số, thương hiệu Bánh đa gia vị Phú Tài được nhiều khách hàng biết đến hơn. Dù vậy, kênh bán hàng chính của thương hiệu vẫn là các kênh truyền thống: bán hàng trực tiếp và bán hàng qua các đại lý.

“Sau 6 năm xây dựng các nền tảng, do không có nhân lực chuyên môn phụ trách; chi phí quảng cáo quá cao; thủ tục rườm rà khiến cho tôi ngại đầu tư phát triển. Dù không có khách hàng đặt trực tiếp qua website nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì để mọi người biết đến thương hiệu của mình” - anh Phong cho biết.

Được biết, thời gian qua, nhiều chủ thể OCOP ở Hà Tĩnh vẫn loay hoay trong việc tiếp cận nền tảng số. Nguyên nhân chủ yếu khiến các chủ thể OCOP gặp khó đó là: mức chi phí vận hành trên nền tảng số cao ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm; thiếu nhân lực có chuyên môn về thương mại điện tử; tình trạng hàng nhái; thói quen mua bán truyền thống…

Mở cửa hàng kinh doanh đồng thời nhiều sản phẩm OCOP, chị Trần Thị Loan (thôn Mỹ Am, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) đang có kế hoạch quảng cáo trên nền tảng Facebook để mở rộng tệp khách hàng của mình, tuy nhiên, chị vẫn chưa thể triển khai do không am hiểu lĩnh vực.

Cửa hàng của chị Loan chủ yếu kinh doanh các sản phẩm OCOP của huyện Cẩm Xuyên như: nước mắm Thiên Trọng (Cẩm Lộc), nước mắm Phú Sáng (Thiên Cầm), rượu Hương Cẩm (Nam Phúc Thăng), nước mắm Ninh Vân (Cẩm Lĩnh), nước mắm Hoa Tùng (Cẩm Dương)… Hằng ngày, chị Loan chăm chỉ đăng tải hình ảnh lên Facebook cá nhân để bán hàng, tiếp cận nhóm khách hàng chính là người thân, bạn bè.

Chị Trần Thị Loan thường xuyên đăng tải hình ảnh sản phẩm, bán hàng trên nền tảng Facebook.

Chị Trần Thị Loan thường xuyên đăng tải hình ảnh sản phẩm, bán hàng trên nền tảng Facebook.

“Chúng tôi đang có kế hoạch triển khai bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Tiktok. Trước mắt, chúng tôi áp dụng phương pháp phổ biến nhất là đăng hình ảnh trên Facebook. Dù rất muốn tìm hiểu việc chạy quảng cáo mở rộng tệp khách hàng, sẵn sàng bỏ chi phí để tiếp cận các sàn thương mại, tuy nhiên, vợ chồng tôi vẫn đang loay hoay do không am hiểu lĩnh vực này" - chị Trần Thị Loan cho biết.

Cũng từng cử con gái tham gia các khóa học livestream để quảng bá, truyền thông về sản phẩm OCOP, tuy nhiên, bà Trần Thị Liễu (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) nhận định, sản phẩm mực khô, tôm nõn khô của gia đình chủ yếu được bán qua các chợ truyền thống, đại lý trên địa bàn, đặc biệt là khi tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Bà Trần Thị Liễu chia sẻ về kênh bán hàng của các sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết, địa phương hiện có nhiều sản phẩm OCOP nhất trên toàn huyện Cẩm Xuyên với tổng số 11 sản phẩm. Từ khi được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, các chủ cơ sở chủ động tiếp cận các trang mạng xã hội, sàn thương mại, làm hình ảnh, video để bán hàng. Các ngành chức năng đã hướng dẫn người dân bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, tuy nhiên, quá trình các cơ sở học hỏi, xây dựng hình ảnh, video khá khó khăn. Với mức chi phí đầu tư ban đầu từ 30 - 40 triệu đồng, kèm theo đó là chi phí duy trì cao, việc ứng dụng công nghệ đòi hỏi người có chuyên môn, do đó, các chủ cơ sở trên địa bàn có tâm lý ngại tiếp cận.

Cũng theo ông Hùng, phần lớn các sản phẩm OCOP đã có thương hiệu trên thị trường nhờ quá trình quảng bá, giao lưu tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, do đó, hoạt động kinh doanh của họ chủ yếu phân phối qua các đại lý. Hy vọng, thời gian tới, các chủ thể OCOP có thể tiếp cận nền tảng số một cách bài bản để đem lại hiệu quả hơn.

Nhiều chủ thể OCOP chọn quảng bá, kinh doanh các sản phẩm tại nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Nhiều chủ thể OCOP chọn quảng bá, kinh doanh các sản phẩm tại nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Được biết, toàn tỉnh hiện có 3 sàn thương mại điện tử do các đơn vị: Sở Công thương, Sở TT&TT và huyện Kỳ Anh trực tiếp quản lý. Đến nay, sàn do Sở Công thương quản lý bày bán hơn 600 sản phẩm của 450 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Trên 95% các sản phẩm OCOP đã tiếp cận, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee... và các nền tảng mạng xã hội như: Tiktok, Facebook…

Nền tảng số được đánh giá là một "miếng bánh lớn" cho các doanh nghiệp bán lẻ khi một số chủ thể OCOP tại Hà Tĩnh đã đạt mức tăng trưởng doanh thu từ 20 - 40% khi tiếp cận.

Ảnh mm.jpg
Giao diện sàn thương mại điện tử Hà Tĩnh do Sở Công thương vận hành, quản lý.

Dù vậy, đại diện Sở Công thương cũng thừa nhận việc triển khai toàn diện còn nhiều khó khăn. Cụ thể như cơ sở hạ tầng của một số sàn thương mại điện tử hiện chưa tích hợp các công cụ thanh toán và các tiện ích khác như các sàn chuyên nghiệp. Đối với các hộ sản xuất, kinh doanh..., việc trang bị máy tính, điện thoại thông minh, kết nối internet chưa đồng bộ, đặc biệt là các cơ sở ở vùng sâu vùng xa. Khó khăn lớn nhất phải kể đến là yếu tố con người, nhiều chủ thể OCOP làm nhỏ lẻ, đại diện chủ yếu là người lớn tuổi, do vậy, khi thực hiện các kỹ năng cập nhật thông tin, sử dụng các tiện ích trên nền tảng số là rất khó...

Để "gỡ khó", giúp các chủ thể OCOP tiếp cận với nền tảng số, Sở Công thương đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực công thương; ứng dụng thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại, quảng bá; tổ chức trên 10 lớp tập huấn để hướng dẫn các cơ sở đưa sản phẩm lên sàn của tỉnh, đưa lên các sàn thương mại điện tử uy tín: Shopee, Lazada, Tiki… Song song với đó là tổ chức hội thi trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số trên sàn thương mại điện tử, thu hút gần 35.000 người tham gia; phối hợp với các sàn thương mại điện tử tổ chức các cuộc tập huấn livestream bán hàng, marketing trên các nền tảng cho các hộ kinh doanh.

Ông Võ Tá Nghĩa

Phó Giám đốc Sở Công Thương

Đọc thêm

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Theo các chuyên gia, giá vàng hạ nhiệt do đồng USD mạnh lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời chịu áp lực do lập trường ủng hộ bitcoin của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm thêm vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 12/11 của Báo Hà Tĩnh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.