PV: Ông đánh giá thế nào về hướng di chuyển, cường độ của cơn bão CONSON ?
Ông Trần Đức Bá: Tối 8/9, bão CONSON đã vượt qua đảo Lu-dông (Philippines) và đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 5 trong năm 2021 với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh Trần Đức Bá
Thời điểm này, ngoài khơi Thái Bình Dương đang tồn tại một cơn bão khác là Chanthu tương tác với bão số 5 nên cơn bão này có quỹ đạo và cường độ rất khó dự báo.
Các Trung tâm dự báo trên thế giới đang đưa ra nhận định rất khác nhau về quỹ đạo, đường đi và khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 5. Một số cơ quan khí tượng còn đưa ra dự báo rằng cơn bão số 5 có thể tan trên biển hoặc suy yếu trước khi vào đất liền. Điều này cho thấy hướng di chuyển của bão số 5 rất phức tạp, khó dự đoán.
Chiều 9/9, phần lớn các Trung tâm khí tượng thủy văn, trong đó có Việt Nam, vẫn đưa ra dự báo bão sẽ ảnh hưởng tới khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa.
Bão số 5 có hướng di chuyển phức tạp.
Tới chiều 10/9, các Trung tâm khí tượng mới “thống nhất” bão số 5 ảnh hưởng khu vực từ tỉnh Quảng Trị tới tỉnh Quãng Ngãi. Hồi 01 giờ ngày 11/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ). Trước khi ảnh hưởng tới đất liền nước ta, bão số 5 nhiều khả năng sẽ suy yếu.
PV: Tác động của bão số 5 tới thời tiết Hà Tĩnh như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Đức Bá: Với những dự báo như hiện nay thì bão số 5 ít có khả năng đổ bộ trực tiếp vào Hà Tĩnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, từ đêm 12 - 14/9, địa bàn Hà Tĩnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông (khu vực ven biển và phía Nam Hà Tĩnh). Lượng mưa phổ biến 100 – 200 mm.
Người dân xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, gia cố lại lồng bè nuôi cá trước ảnh hưởng bão số 5.
Mưa lớn gây nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi (Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh) và ngập úng vùng trũng thấp, đô thị. Trong cơn dông đề phòng lốc sét, gió giật mạnh.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, vùng biển Hà Tĩnh có thể có gió giật cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Với mức gió này sẽ gây nguy hiểm cho tàu thuyền nên bà con ngư dân không nên chủ quan mà cần phải tìm nơi tránh trú, neo đậu chắc chắn, đảm bảo an toàn. Chờ khi bão tan hẳn thì mới ra khơi đánh bắt.
PV: Hà Tĩnh có khả năng xảy ra lũ lụt trong đợt này không, thưa ông?
Ông Trần Đức Bá: Với lượng mưa dự báo từ 100 – 200 mm, lại đang vào đầu mùa mưa, trong khi mực nước ở các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh sau khi kết thúc tưới vụ hè thu đạt phổ biến từ 40%-60% dung tích thiết kế thì ít có khả năng gây ảnh hưởng tới công trình.
Tàu thuyền vào tránh trú bão.
Trong thời gian mưa lớn, khả năng các con sông ở Hà Tĩnh có thể xuất hiện đợt lũ nhỏ, dưới báo động 1.
Tuy nhiên, mưa lớn sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới diện tích lúa hè thu chưa thể thu hoạch của các địa phương. Đặc biệt, với vùng trồng cây có múi và các loại hoa màu khác, cần có biện pháp đề phòng trước ảnh hưởng của mưa lớn.
Bão số 5 và hoàn lưu bão số 5 vẫn rất phức tạp, khó lường, các địa phương, đơn vị và người dân cần theo dõi, cập nhật kịp thời các thông tin liên quan tới bão để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra.
Xin cảm ơn ông!