Giải thưởng, với tôi và bất kỳ người làm báo nào cũng là vinh dự lớn, phải thật sự khó khăn trong lao động mới đạt được. Uy tín của giải thưởng trao cho tác phẩm có ý nghĩa thúc đẩy người làm báo khai thác tốt hơn nữa mảng đề tài liên quan đến chủ trương, chính sách.
Tác phẩm nằm trong danh sách trao giải cũng đã cho thấy hướng đi đúng đắn mà tập thể cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh đã kiên trì theo đuổi trong những năm qua khi xác định, đầu tư xứng đáng cho mảng đề tài chủ đạo - xây dựng Đảng, bằng sự đa dạng về nội dung, sinh động về hình thức. Nói cụ thể hơn, tác phẩm của tôi là một chỉnh thể nhỏ nằm trong tập hợp lớn thuộc mảng đề tài hệ trọng được nhiều con người cụ thể của Báo Hà Tĩnh xây đắp.
Nhà báo Mạnh Hà (giữa) nắm bắt thông tin từ cán bộ thôn Bắc Hà, cán bộ xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) bên đầm tôm.
Qua 4 kỳ được xuất bản (Một năm, 4 cán bộ văn phòng nghỉ việc; “Người lương thấp, kẻ lương cao”, vì đâu?; Bố trí tiết kiệm tinh gọn bộ máy; “Đi tắt” giảm khó khăn khi sáp nhập xã), tác phẩm đã chọn điểm nhìn là chủ trương của Đảng, từ đó, soi chiếu vào quy định của chính sách và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn sinh động. Chính vì thế, quá trình thai nghén tác phẩm cũng là quá trình khó khăn để tìm hiểu nội dung chính sách và tìm kiếm nhân chứng. Thật may, niềm tin tưởng và những chia sẻ của những cán bộ chuyên môn quản lý nhà nước - cái nhìn trong cuộc về chính sách đã cho tôi thêm những hiểu biết về “lỗ hổng” trong quy định ở tầm vĩ mô và cách thực hiện chính sách ở tầm vi mô. Từ đó, tôi đã tiếp cận được những nội dung không dễ như: Thang bảng lương, mức lương của vị chủ tịch xã và các cán bộ xã khác, những người bỏ việc… cho thấy những bất cập về chính sách, nhất là việc chuẩn hóa công chức tiến hành chậm dẫn đến nhiều cán bộ, công chức thiệt thòi.
Cán bộ, công chức cấp xã là những người thường xuyên tiếp xúc, giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân.
Cũng phải nói thêm, trong suy nghĩ của tôi, đã từ lâu, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã với số lượng rất đông đảo, đã trở thành những người bị lạm dụng dưới những cách điều hành có khi duy ý chí, có khi thiếu hiểu biết của lãnh đạo cấp xã. Về phía khác, chính đội ngũ không chuyên trách, đây đó, vẫn không hiểu chức năng, quyền hạn và quyền lợi của mình, bởi vậy, đã trở thành những người bận rộn một cách rất vất vả, trong khi họ - ngay từ từ ngữ - đã là “không chuyên” (thời điểm đó, họ phải làm việc nhiều thời gian, hưởng phụ cấp thấp). Loạt bài, bởi vậy đã nhận được sự chia sẻ rất lớn trên mạng xã hội, nhất là từ đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Nhiều người đã trao đổi riêng với tác giả về những bất cập khi tiến hành lộ trình sáp nhập xã, tinh giản biên chế.
Dù khai thác trong phạm vi cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, nhưng ở mặt nào đó, tác phẩm với thời điểm xuất bản đầu tháng 7/2018, đã cung cấp cái nhìn tham chiếu về: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 vừa ban hành cuối năm 2017; các bất cập về chính sách tiền lương trong thời điểm Trung ương vừa kết thúc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.
Sáp nhập xã là chủ trương đang được các cấp, ngành tập trung thực hiện (Trong ảnh: Xã Đức Tùng (Đức Thọ) - một trong những đơn vị sẽ tiến hành sáp nhập giai đoạn 2019 - 2021)
Tôi tin rằng, câu chuyện từ chủ trương của Đảng đến chính sách của Nhà nước với biên độ rất rộng của nó sẽ kích thích mạnh mẽ “con mắt tinh đời” của người làm báo để nhìn kỹ, phân tích kỹ, viết nên những tác phẩm chất lượng hơn, góp thêm vào tiếng nói tạo đồng thuận xã hội.