Sáng ngày mùng 1 tết, bắt đầu từ 6 giờ 30 phút, khu chạy thận nhân tạo - Khoa Cấp cứu chống độc (BVĐK Hà Tĩnh) vẫn làm việc bình thường. Hơn 50 bệnh nhân chạy thận nhân tạo lại trải qua 4 giờ đồng hồ lọc máu để tiếp tục duy trì sức khỏe trong ngày đầu tiên của năm mới.
Dịp tết, trong khi nhiều bệnh nhân được trở về nhà quây quần đón năm mới với gia đình thì những bệnh nhân khu chạy thận nhân tạo - Khoa Cấp cứu chống độc (BVĐK Hà Tĩnh) vẫn phải duy trì 3 ca lọc máu/ngày.
Tết năm nay là năm đầu tiên bà Dương Thị Hường (58 tuổi) ở xã Hương Bình (Hương Khê) chạy thận nhân tạo trong ngày nghỉ tết.
Cách hơn 3 tháng, bà Hường phát hiện bị suy thận mạn tính và phải chạy thận nhân tạo. Mỗi tuần 3 lần, bà được con trai đưa xuống BVĐK Hà Tĩnh điều trị.
“Lần đầu tiên chạy thận đón tết ở bệnh viện nhưng tôi cảm thấy rất ấm áp vì được đội ngũ y, bác sỹ tận tình chăm sóc. Đó là món quà quý giá nhất làm ấm lòng những người bệnh như tôi trong những ngày đầu năm mới”, bà Hường chia sẻ.
Ông Trần Văn Liêu (53 tuổi) ở xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà), người đã có “thâm niên” 16 năm chạy thận nhân tạo. Ông Liêu chỉ mong ước được một lần đón tết trọn vẹn cùng gia đình như trước khi ông chưa mắc bênh. "Mong thời gian trôi nhanh, hết ca chạy tôi trở về nhà để thắp nén hương ở nhà thờ họ ngày đầu năm mới”, ông Liêu chia sẻ.
Đã hơn 4 năm này, ông Hoàng Văn Minh ở xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) đều đặn đưa con gái là Hoàng Thị Thơ (31 tuổi) đến BVĐK Hà Tĩnh để chạy thận nhân tạo. Sáng nay, mùng 1 tết, gác lại việc đi chúc tết anh em họ hàng, làng xóm, ông Minh đưa con gái đến chạy thận. Khi con đã vào phòng, ông lại lặng lẽ ngồi ngoài hành lang chờ đợi…
”Đây là căn bệnh không hẹn ngày về, rời bệnh viện là không sống được”, ông Minh chia sẻ.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thắm - Khoa Cấp cứu chống độc (BVĐK Hà Tĩnh) cho biết, khu chạy thận nhân tạo đang thực hiện chạy thận quy trình cho hơn 300 bệnh nhân, hầu hết là bị suy thận nặng, suy thận mãn. Một ngày, khu chạy máy lọc máu cho hơn 150 bệnh nhân.
“Từ nhiều năm nay, khu chạy thận nhân tạo không có ngày nghỉ tết. Hơn 10 cán bộ trực tiếp phụ trách khu chạy thận xác định tâm lý làm xuyên tết, vì quy trình chạy thận cho một bệnh nhân không thể ngắt quãng được quá một ngày”, bác sỹ Thắm chia sẻ.
Theo bác sỹ Thắm, một ngày làm việc của đội ngũ y, bác sĩ tại khu chạy thận nhân tạo kéo dài 10 giờ đồng hồ, bắt đầu từ 6 giờ 30 phút (chia 3 ca). Từ thứ 2 đến thứ 7, khu chạy thận làm việc hết công suất. Riêng ngày chủ nhật, dành thời gian cho vệ sinh máy móc, trang thiết bị lọc máu.
Kết thúc ca chạy thận, nhiều bệnh nhân thu dọn đồ đạc trở về nhà. Các điều dưỡng tranh thủ vệ sinh, chuẩn bị máy móc để đón bệnh nhân của ca tiếp theo. “Có một nơi khi chia tay người ta luôn muốn nói "hẹn gặp lại“, đó là khu chạy thận nhân tạo. Vì nếu còn gặp lại tức là bệnh nhân sẽ vẫn còn sống”, bác sỹ Thắm chia sẻ.