Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân bị bệnh gan do rượu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong những ngày giáp tết, số lượng bệnh nhân vào viện do rượu, bia gia tăng. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Thái, Phó trưởng Khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khoảng một tuần lại nay, các bệnh nhân có bệnh liên quan đến rượu, bia vào điều trị gia tăng nhiều hơn. Mỗi ngày có từ 8 đến 15 bệnh nhân bị tai nạn giao thông; 5 đến 10 bệnh nhân bị bệnh về rối loạn tiêu hóa, xơ gan, 8 đến 10 bệnh nhân bị chấn thương do đánh nhau.
Còn tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, cứ mỗi dịp tết đến, lượng bệnh nhân vào viện do sử dụng rượu, bia cũng tăng cao. Các bệnh nhân chủ yếu bị rối loạn tâm thần và hành vi do rượu. Những ngày cận Tết, Khoa Cấp tính nam có khoảng 10 đến 15 bệnh nhân vào điều trị, nhưng có từ 5 đến 7 bệnh nhân rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng bia rượu quá nhiều.
Bệnh nhân bị loạn thần do uống quá nhiều rượu vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh
Theo bác sĩ Nguyễn Trường Sinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm: “Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm. Nguy cơ càng tăng với hậu quả khó lường nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa methanol (hàm lượng methanol vượt ngưỡng trên 0,05% có thể mù mắt và tử vong cao). Đã có những trường hợp tử vong khi sử dụng rượu chứa methanol, rượu ngâm thảo mộc (lá, rễ, hạt cây), động vật (mật, phủ tạng, bộ phận khác) chứa độc tố tự nhiên”.
Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh xử phạt tiêu hủy rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ
Theo cảnh báo của ngành y tế, việc uống quá nhiều bia, rượu sẽ dẫn đến một số bệnh như: sút cân, chán ăn, ỉa chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần… Bên cạnh đó, với phụ nữ mang thai uống nhiều rượu, bia có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, phòng chống tác hại của việc lạm dụng sử dụng rượu, bia trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người tiêu dùng: Không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày đối với nam, 1 đơn vị cồn/ngày với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Bên cạnh đó không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các loại rượu, bia trôi nổi trên thị trường, rượu bia không công bố tiêu chuẩn chất lượng. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đặc biệt, trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu, bia. Nếu phát hiện người nhà sau khi uống rượu, bia có các biểu hiện về thần kinh như: đau đầu, chóng mặt, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật… cần đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý, điều trị kịp thời; tuyệt đối không cho người bệnh tự điều khiển xe cộ hay lao động để tránh các tai nạn đáng tiếc. |