Sáng 11/4, Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Trung Dũng đi kiểm tra và làm việc với một số ngành, địa phương về tình hình phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn. |
Bí thư Tỉnh uỷ cùng đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà và xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê. Đồng thời, có buổi làm việc nhanh với ngành nông nghiệp và một số địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Trung Dũng và đoàn công tác đến kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh tại xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà).
Theo báo cáo của UBND tỉnh, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò lần đầu tiên được phát hiện ở Hà Tĩnh vào ngày 15/12/2020, đến nay, sau gần 4 tháng, đã có 203 xã của 13 huyện, thành phố, thị xã có gia súc mắc bệnh.
Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 11.462 con (chiếm tỷ lệ 4,9%), trong đó có 983 con mắc bệnh, chết, phải tiêu hủy (8,6%). Hiện nay, tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò tại các địa phương vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.
Đoàn kiểm tra thực tế tại xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê.
Năm 2021, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại 103 xã/13 huyện, thành phố, thị xã. Đến ngày 9/4/2021, lũy kế, tổng số lợn ốm, chết, tiêu hủy là 6.182 con, khối lượng hơn 466 tấn. Hiện đang có 83 xã/11 huyện có dịch chưa qua 21 ngày.
Dịch cúm gia cầm (H5N6) đang xảy ra tại xã Lưu Vĩnh Sơn và xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà. Các đơn vị đã tiêu hủy 9.720 con gia cầm mắc bệnh. Hiện nay, các ổ dịch H5N6 đã được kiểm soát, khống chế, qua 21 ngày không phát sinh thêm.
Các địa phương trong toàn tỉnh đã lập 130 chốt kiểm soát, biển cảnh báo vùng dịch.
Đến ngày 5/4/2021, 16 con trâu bò của 8 hộ dân trên địa bàn huyện Lộc Hà mắc bệnh lở mồm long móng.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh, các địa phương đã rà soát, thống kê, kịp thời phát hiện gia súc mắc bệnh viêm da nổi cục; tiêu hủy kịp thời số lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi và gia cầm mắc bệnh H5N6 theo quy định.
Bí thư Huyện uỷ Hương Khê Lê Ngọc Huấn báo cáo một số kết quả phòng, chống dịch bệnh của địa phương.
Ngành chuyên môn đã cấp phát hỗ trợ gần 22.000 lít hóa chất và hơn 100 tấn vôi bột để tiêu độc khử trùng tại các vùng dịch… Tại một số địa phương, ngành chức năng đã hỗ trợ thêm hóa chất tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng và vật chủ trung gian truyền bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Các địa phương đã lập 130 chốt kiểm soát, biển cảnh báo vùng dịch, để cảnh báo, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyên động vật.
Đến ngày 5/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cung ứng tổng số 118.000 liều vắc-xin để tiêm phòng cho đàn trâu bò; đến ngày 8/4 đã tiêm được 95.880 con trâu bò, đạt khoảng 51% theo kế hoạch.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt báo cáo về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại Hà Tĩnh và công tác phòng, chống của ngành chuyên môn.
Tuy nhiên, công tác triển khai tiêm phòng tại các địa phương còn một số khó khăn, tồn tại như: lực lượng cán bộ thú y cơ sở thiếu, nhiều xã chưa làm tốt việc rà soát, thống kê sát tổng đàn trâu bò, phân loại đối tượng tiêm phòng theo quy định; công tác tổ chức triển khai tiêm phòng chưa đảm bảo; việc quản lý, theo dõi trâu bò sau tiêm phòng thiếu chặt chẽ…
Ngành nông nghiệp cần thành lập kênh chỉ đạo riêng về dịch tả lợn châu Phi để nắm bắt tình hình, chỉ đạo kịp thời các giải pháp phòng dịch và “cứu” ngành chăn nuôi lợn. Còn về viêm da nổi cục trên trâu bò, các địa phương vẫn cần tiếp tục tuyên truyền và đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin phòng dịch.
Qua kiểm tra, Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Trung Dũng biểu dương sự cố gắng, chủ động và tập trung cao của các địa phương và ngành chuyên môn đối với công tác phòng chống dịch bệnh. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai các nội dung, giải pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, dịch diễn biến phức tạp, số lượng gia súc, gia cầm mắc bệnh khá nhiều nên ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân.
Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị ngành NN&PTNT cần sớm tham mưu, đề xuất các giải pháp để huy động tối đa cán bộ thú y có chuyên môn hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch.
Trước diễn biến phức tạp của các dịch bệnh, Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Trung Dũng đề nghị các ngành, địa phương trên toàn tỉnh tiếp tục tuyên truyền để người dân có ý thức cao, chủ động phòng dịch; mỗi gia đình phải áp dụng các quy định về chăn thả vật nuôi, về tiêm phòng và áp dụng các biện pháp tiêu huỷ an toàn đối với vật nuôi bị nhiễm dịch. Đặc biệt, các địa phương cần phát huy tối đa hiệu quả hệ thống truyền thanh cơ sở để tuyên truyền đến tận người dân.
Bên cạnh đó, đưa nội dung phòng, chống dịch bệnh vào chương trình, kế hoạch công tác hàng tuần, hàng tháng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; phải phát huy vai trò thành viên đoàn công tác của tỉnh, của huyện giúp địa phương phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở. Thường xuyên phát động các đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi và triển khai tốt các chốt kiểm dịch.
Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh, ngành NN&PTNT cần sớm tham mưu, đề xuất các giải pháp để huy động tối đa cán bộ thú y có chuyên môn hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch. Quản lý các cơ sở giết mổ tập trung, tuyệt đối không để xảy ra việc giết mổ gia súc mắc bệnh bán cho người tiêu dùng. Ngành Tài chính tham mưu các chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống dịch phù hợp để dập dịch, bảo vệ tài sản cho Nhân dân.