Hoạt động giết mổ tại lò mổ Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh trên gia súc.
Gần nửa tháng trở lại đây, lò mổ Cẩm Lộc (xã Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên) chỉ duy trì hoạt động cầm chừng, lượng trâu, bò, lợn tập trung về đây để giết mổ giảm hẳn. Ông Hoàng Cu - chủ cơ sở giết mổ Cẩm Lộc cho biết: “Nhiều loại dịch bệnh trên gia súc như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện khiến người dân hạn chế tiêu thụ thịt nên thương lái cũng không mặn mà đến lấy hàng.
Chúng tôi đã dừng hẳn giết mổ trâu, bò hơn 10 ngày nay, còn lợn hiện chỉ giết mổ từ 15 - 18 con/ngày, giảm hơn một nửa so với trước. Cơ sở vừa đầu tư hơn 150 triệu đồng làm hệ thống giết mổ treo để tăng công suất và đảm bảo vệ sinh nhưng gặp tình cảnh này nên rất khó khăn. Hoạt động đình trệ nên tôi cũng phải cắt giảm bớt công nhân, cố gắng xoay xở để cầm cự qua giai đoạn này”.
Cán bộ kiểm dịch Cẩm Xuyên kiểm tra nguồn gốc lợn trước khi đưa vào lò mổ ở Cẩm Lộc.
Ông Phan Xuân Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Cẩm Xuyên cho biết: “Dịch bệnh trên gia súc tại Cẩm Xuyên diễn biến phức tạp, người tiêu dùng đổi sang sử dụng các loại thực phẩm khác. Điều này đã khiến cho 5 lò mổ trên địa bàn bây giờ chỉ đạt gần 1/3 công suất so với trước đây”.
Thời điểm này, cơ sở giết mổ gia súc tập trung TP Hà Tĩnh (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) cũng chung cảnh khó khăn khi tiểu thương đến nhập thịt với lượng “nhỏ giọt”.
Nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ông Trương Hữu Hà - chủ cơ sở giết mổ gia súc tập trung TP Hà Tĩnh cho biết: “Cơ sở là một trong những nơi cung ứng nguồn thịt bò, lợn số lượng lớn cho chợ dân sinh, nhà hàng, quán ăn… trên địa bàn TP Hà Tĩnh và nhiều vùng lân cận. Thế nhưng, tình hình sản xuất của chúng tôi hiện rất ế ẩm, chỉ giết mổ 2 - 3 con bò và khoảng 7 - 10 con lợn/đêm, giảm hơn một nửa so với trước. Với tình hình ế ẩm này, có khi 1 - 2 ngày tới chúng tôi cũng dừng hẳn việc giết mổ bò.
Tiền thu phí giết mổ hiện nay đang ở mức 30.000 đồng/con lợn, 70.000 đồng/ con trâu, bò. Nếu tình trạng giết mổ với số lượng ít kéo dài thì chúng tôi không biết trông vào đâu để duy trì hoạt động, chưa nói đến việc trả tiền công thuê người làm, dọn dẹp, chi phí giết mổ…”.
Các tiểu thương ở chợ TP Hà Tĩnh vì sợ cảnh ế ẩm nên không dám nhập số lượng nhiều.
Chị Nguyễn Thị Mai - tiểu thương kinh doanh tại chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi lấy thịt được xuất biên lai thu phí kiểm soát giết mổ để chứng minh sản phẩm rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn không mua thịt gia súc trong lúc dịch bệnh phức tạp. Chúng tôi buôn bán ế ẩm, nhiều hàng “treo quầy” thì các lò mổ cũng khó khăn theo”.
Theo khảo sát, tâm lý kiêng dè, “né” thịt gia súc của người tiêu dùng do dịch bệnh diễn biến phức tạp là nguyên nhân chính khiến hơn 40 cơ sở giết mổ tập trung tại Hà Tĩnh hoạt động khó khăn, số lượng gia súc giết mổ sụt giảm từ 50 - 70% so với đợt trước.
Công tác kiểm dịch từ lò mổ đến thị trường tiếp tục được chú trọng nhằm đảm bảo nguồn thịt an toàn cho người tiêu dùng.
Dịch bệnh viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi đều là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra. Tuy nhiên, các loại vi-rút này không lây nhiễm và không gây bệnh trên người, vì vậy, người tiêu dùng không nên tẩy chay, quay lưng hoàn toàn với thịt trâu, bò, lợn để đồng hành, chung tay cùng ngành chăn nuôi vượt qua “bão dịch”.
"Người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng các sản phẩm thịt rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu kiểm dịch rõ ràng; cần kiểm tra kỹ các dấu hiệu trên thịt như màu sắc, độ bám dính tự nhiên, không thấy nhớt và ướt nước khi ấn vào thịt, không có mùi hôi.
Cùng với đó, các lò mổ đảm bảo hoạt động đúng quy định, công tác kiểm dịch cung ứng thịt đến thị trường cần được chú trọng hơn nhằm đảm bảo nguồn thịt an toàn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng tại Hà Tĩnh" - ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh khuyến cáo.