Sáng 29/7, bắc biển Đông xuất hiện một vùng áp thấp, hiện cách quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) khoảng 450 km về phía đông.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, khả năng đêm nay vùng áp thấp sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, theo hướng tây tây bắc, sức gió tối đa 50 km/h, cấp 6. Trong 2-3 ngày tới, áp thấp nhiệt đới giữ hướng tây tây bắc, tiến gần đảo Hải Nam (Trung Quốc) và có thể mạnh thành bão.
Nhiều khả năng bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, gây ra đợt mưa to ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong các ngày 2-5/8, chuyên gia khí tượng dự báo. Mưa sẽ cải thiện đáng kể tình hình thiếu nước của các hồ thủy điện miền Bắc, chấm dứt tình trạng hạn hán ở bắc miền Trung.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của vùng áp thấp. Ảnh: NHCMF |
Ảnh hưởng của vùng áp thấp, bắc và giữa biển Đông có mưa giông mạnh, riêng bắc biển Đông có gió cấp 5-6, giật cấp 8, sóng biển cao 2-3 m trong đêm nay và ngày mai. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa tây nam hoạt động mạnh, từ ngày 30/7 vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, nam biển Đông (gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5-6, sóng cao 2-3 m.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai hôm nay đã yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tất cả tỉnh thành ven biển hướng dẫn cho tàu thuyền biết về diễn biến vùng áp thấp và gió mùa tây nam để phòng tránh; kiểm điểm tàu thuyền, chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ khi có yêu cầu.
Nếu vùng áp thấp phát triển thành áp thấp nhiệt đới và thành bão thì sẽ là cơn bão thứ ba ở biển Đông trong năm nay. Cơn bão thứ nhất vào đầu tháng 1 là rơi rớt từ năm 2018, bão thứ hai tên quốc tế Mun đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng ngày 4/7, gây mưa cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, làm 2 người chết.
Từ hôm nay đến hết ngày 31/7, miền Bắc tiếp tục xuất hiện những cơn mưa rào vào chiều tối và đêm. Các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang có mưa to và giông mạnh, phổ biến 20-50 mm/12 giờ, có nơi trên 70 mm/12 giờ. Nguyên nhân là tác động của dải hội tụ có trục vắt qua Bắc Bộ nối với vùng áp thấp ở biển Đông.