Các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu khảo sát từ bố mẹ trong 170 gia đình có trẻ nhỏ và phát hiện những ông bố, bà mẹ bị xao nhãng bởi công nghệ trong thời gian chơi đùa cùng con có xu hướng chứng kiến nhiều vấn đề trong cách hành xử của con mình.
Trưởng nhóm tác giả Brandon McDaniel đến từ Đại học Illinois cho biết các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra một vài phụ huynh bị đắm chìm trong thiết bị của họ và khi điều đó xảy ra, trẻ không thể nhận được sự chú ý dành cho chúng. Tuy vậy, chưa có nghiên cứu nào cho thấy mối liên hệ giữa việc bố mẹ sử dụng công nghệ với hành vi của trẻ. Theo ông, phát hiện đặc biệt mới ở trong nghiên cứu chính là ngay cả những hành vi sử dụng công nghệ nhỏ nhặt nhất cũng bắt đầu gây ảnh hưởng đến hành vi của trẻ nhỏ.
Khảo sát có sự tham gia của 168 bà mẹ và 165 ông bố trong gia đình có đủ bố mẹ. Các bậc phụ huynh được hỏi về mức độ can thiệp thường xuyên của smartphone, tablet, laptop và các công nghệ khác vào thời gian quây quần cả gia đình, chẳng hạn xem tin nhắn khi ăn cơm hay trả lời tin nhắn giữa cuộc nói chuyện. Bố mẹ cũng được hỏi về mức độ sử dụng thiết bị cá nhân dựa trên cảm giác lo lắng về những cuộc gọi, tin nhắn và liệu họ có cho rằng mình đang lạm dụng hay không.
Dù cả bố và mẹ đều nghĩ công nghệ làm họ xao lãng trẻ ít nhất một lần mỗi ngày, phụ nữ xem việc dùng điện thoại là vấn đề lớn hơn so với nam giới.
Khoảng 48% bố mẹ thừa nhận sự can thiệp của công nghệ diễn ra ít nhất 3 lần mỗi ngày, 24% nói nó xảy ra 2 lần mỗi ngày và 17% nói chỉ xảy ra 1 lần. Chỉ có 11% khẳng định công nghệ chưa bao giờ làm ảnh hưởng đến thời gian cho cả gia đình.
Các nhà nghiên cứu cũng yêu cầu bố mẹ đánh giá mức độ thường xuyên trong các vấn đề hành vi của trẻ trong 2 tháng qua bằng cách trả lời câu hỏi liên quan đến trẻ có hay rên rỉ, dễ cáu gắt, tức giận, có dấu hiệu bồn chồn, hiếu động. Sau khi điều chỉnh các yếu tố các có thể tác động đến hành vi của trẻ như thu nhập bố mẹ, mức độ giáo dục, các nhà nghiên cứu phát hiện mối liên hệ giữa việc bố mẹ dùng công nghệ và các hành vi có vấn đề của trẻ. Dù vậy, nghiên cứu cũng có một số hạn chế như thiếu dữ liệu y tế hay báo cáo từ giáo viên, người lớn khác để kiểm chứng trẻ cư xử có vấn đề.
Larry Rosen, Giáo sư danh dự đại học California, đưa ra lời khuyên: với các bậc phụ huynh lo công nghệ sẽ làm gián đoạn thời gian dành cho con, họ nên khắc phục bằng cách cất điện thoại vào một vài thời điểm trong ngày và chỉ tập trung hoàn toàn cho con cái. “Trẻ em khao khát sự kết nối với bố mẹ và học tập từ hành vi của họ. Liên tục kiểm tra điện thoại sẽ để lại ảnh hưởng tiêu cực đến sợi dây này”.