Đa dạng hóa thị trường
Hiện tại, phần lớn sản phẩm bưởi Phúc Trạch được tiêu thụ tại chợ Ga Hương Phố (thị trấn Hương Khê).
Theo thông tin từ Sở Công thương Hà Tĩnh, hiện tại, phần lớn sản phẩm bưởi Phúc Trạch được tiêu thụ tại chợ ga Hương Phố (thị trấn Hương Khê) với sản lượng ước khoảng 100 tấn/ngày. Mức giá trung bình dao động từ 25 - 35 nghìn đồng/quả. Ngoài ra, bưởi Phúc Trạch trong những năm gần đây đã xuất hiện trên quầy kệ tại những hệ siêu thị lớn như: Coopmart, Vinmart, Mizi thông qua các doanh nghiệp thương mại lớn.
Công ty TNHH Vườn Ươm Việt (xã Hương Long) là một trong những đơn vị đầu tàu trong việc bao tiêu sản phẩm và đưa bưởi Phúc Trạch vào siêu thị. Anh Trần Kim Việt - Giám đốc công ty chia sẻ: Doanh nghiệp ưu tiên thu mua sản phẩm của những hộ dân có liên kết từ trước, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy trình để đưa vào hệ thống các siêu thị như Vinmart, Vinmart +, Mizi... Đến nay, Vườn Ươm Việt đã bao tiêu khoảng 200.000 quả bưởi (tương đương 200 tấn), trong đó, 66.000 quả vào hệ thống các siêu thị trên cả nước, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Anh Trần Kim Việt, Giám đốc Công ty Vườn Ươm Việt: Năm 2020, doanh nghiệp đã bao tiêu khoảng 200.000 quả bưởi (tương đương 200 tấn).
Vào mùa thu hoạch, bưởi Phúc Trạch luôn có mặt tại các hội chợ thương mại, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, hằng năm, tỉnh đều tổ chức Lễ hội Cam và sản phẩm nông nghiệp, tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức giới thiệu và bán sản phẩm đến người tiêu dùng.
Nỗi lo mất thương hiệu
Người dân Hương Khê vẫn luôn mong đợi một ngày sản phẩm bưởi Phúc Trạch sẽ được xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế.
Do hiệu quả kinh tế cao, người dân các vùng lân cận, thậm chí ở nhiều tỉnh, thành khác đổ xô trồng bưởi Phúc Trạch. Theo tìm hiểu, những sản phẩm này được người bán tự gắn nhãn và rao bán trên mạng xã hội. Đáng nói hơn, theo phản ánh của nhiều người dân và doanh nghiệp, hiện nay, có một số lượng bưởi được trồng ngoài vùng chỉ dẫn địa lý nhưng lại vận chuyển về Hương Khê để trà trộn, giả thương hiệu bưởi Phúc Trạch bán cho người tiêu dùng.
Ông Hồ Trung Dũng (xã Hà Linh) lo lắng: “Hằng ngày tôi thấy có nhiều phương tiện vận chuyển bưởi từ vùng xuôi ngược lên trung tâm huyện Hương Khê. Chúng tôi nghi ngờ đây là giống bưởi Phúc Trạch được trồng ở vùng khác, dù rằng lượng bưởi đó có thể có chất lượng nhưng hương vị không thể giống với bưởi nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý được. Việc lạm dụng thương hiệu sẽ làm mất uy tín của bưởi Phúc Trạch trên thị trường. Trong khi đó, do cùng loại giống nên người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là bưởi Phúc Trạch đúng chuẩn.
Người dân Hương Khê cần sử dụng tem, nhãn để tránh tình trạng lạm dụng thương hiệu.
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Hương Khê, thời điểm hiện tại, bưởi Phúc Trạch phần lớn được tiêu thụ tại khu vực chợ ga Hương Phố. Đây là chợ tự phát, khó quản lý, trong khi bưởi tại đây hầu hết không có tem nhãn, nên có khả năng có người lợi dụng để trà trộn bưởi kém chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ.
Ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho hay, hiện tại, diện tích bưởi Phúc Trạch nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý đều được quản lý thông qua tem chỉ dẫn địa lý do UBND huyện Hương Khê cấp. Huyện đang tích cực triển khai tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng tem, nhãn để tránh tình trạng lạm dụng thương hiệu. Nhà nước xây dựng chỉ dẫn địa lý, bà con cần nâng cao trách nhiệm để bảo vệ thương hiệu.
Nhen nhóm giấc mơ xuất khẩu
Một trong những thông tin đáng mừng đối với người trồng bưởi Phúc Trạch thời gian gần đây là loại đặc sản này đã được Liên minh châu Âu (EU) cam kết bảo hộ thương hiệu từ ngày 1/8/2020. Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, cũng như đòi hỏi yêu cầu khắt khe về mặt chất lượng của người tiêu dùng EU, việc được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý được đánh giá là cơ hội lớn cho quả bưởi Phúc Trạch xuất khẩu vào thị trường này cũng như các nước khác.
Trong những năm gần đây, bưởi Phúc Trạch đã xuất hiện trên quầy kệ tại những hệ siêu thị lớn như: Coopmart, Vinmart, Mizi.
Theo ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh, để vươn tới những thị trường khó tính trên thế giới, người trồng bưởi Phúc Trạch cũng như chính quyền địa phương còn nhiều việc phải làm. Với chất lượng, giá trị dinh dưỡng, bưởi Phúc Trạch hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí để xuất khẩu; song, cái khó là hiện nay, phần lớn diện tích vẫn đang trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết. Quan trọng nhất trong mục tiêu này là cần phải có một số doanh nghiệp đầu mối, vừa liên kết với nhà nông từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, vừa kết nối được với thị trường nước ngoài.
“Hiện tại, chúng tôi đang nỗ lực mời gọi các doanh nghiệp tìm hiểu thị trường nước ngoài để tính đến khả năng xuất khẩu bưởi Phúc Trạch. Đồng thời, Sở Công thương cũng sẽ tìm hiểu các thông tin về các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước để cung cấp cho doanh nghiệp, người dân. Ngành luôn sẵn sàng vào cuộc hỗ trợ, đặc biệt trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong trường hợp đặc sản này được xuất khẩu” - ông Nghĩa nói thêm.
Địa phương cần tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và sản lượng.
Nói về vấn đề này, Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn cho biết, bưởi Phúc Trạch xuất khẩu, nâng tầm giá trị là hoàn toàn có thể nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức. Việc được EU bảo hộ sở hữu trí tuệ thương hiệu bưởi Phúc Trạch là thành công bước đầu của Hà Tĩnh nói chung và ngành KH&CN nói riêng. Đây là cơ hội lớn để một sản phẩm chủ lực của tỉnh vươn ra thị trường thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực.
Phải nói thêm rằng, bưởi Phúc Trạch tuy đã khẳng định chất lượng riêng có nhưng chưa đồng đều. Tuy ở cùng một khu sản xuất nhưng có quả ngọt, có quả còn chua, thậm chí có quả còn có vị the, đắng. Do đó, trước tiên, địa phương cần tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và sản lượng để đảm bảo số lượng cung cấp cho thị trường. Đồng thời, địa phương cũng cần quản lý tốt chỉ dẫn địa lý, xử lý nghiêm các hành vi làm giả tem, nhãn, lạm dụng làm giảm uy tín của thương hiệu bưởi Phúc Trạch.
“Về phía ngành KH&CN, chúng tôi sẽ tiếp tục đặt hàng các đề tài, dự án nghiên cứu nâng cao chất lượng, mẫu bưởi; hướng dẫn người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn thị trường đích. Ngoài ra, trong tương lai sẽ cần hỗ trợ xây dựng các mô hình bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó cũng cần khuyến khích nghiên cứu sản xuất các sản phẩm chế biến từ bưởi để mở rộng thị trường tiêu thụ - ông Đỗ Khoa Văn nói thêm.