Chiều 28/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Sau gần 7 năm chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, nghị quyết của Chính phủ, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và qua 4 đợt thanh tra của EC, đến nay, tình hình chống khai thác IUU trên cả nước đã đạt một số kết quả.
Cụ thể, đã hoàn thiện khung pháp lý; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định tại Hiệp định các biện pháp quốc gia có cảng; thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm khai thác IUU được tăng cường hơn trước. Sau đợt thanh tra của EC lần thứ 4 (tháng 10/2023), khung pháp lý được hoàn thiện theo khuyến nghị của EC; cả nước tăng cường công tác quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá.
Qua rà soát, thống kê, tổng số đội tàu cá cả nước là 85.495 chiếc; trong đó tàu đã được đăng ký là 70.910 chiếc; đã công bố hạn ngạch giấy phép tại vùng khơi giai đoạn 2024-2029 là 29.552 giấy phép. Số lượng tàu cá từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 98,5%, đánh dấu tàu cá đạt 98%. Đối với các tàu cá không đủ điều kiện hoạt động, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU đã được các địa phương lập danh sách, quản lý. Một số cảng cá tại các địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện tương đối tốt công tác theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá ra vào cảng, giám sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng.
Việc thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 đến nay đã được rà soát, thực hiện chặt chẽ hơn. Hiện chưa phát hiện thêm các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu vi phạm IUU như tại đợt thanh tra lần thứ 4.
Công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU đạt một số kết quả quan trọng, đã khởi tố 11 vụ hình sự, đang điều tra 3 vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Công tác điều tra, xác minh, xử lý hành vi vi phạm về ngắt kết nối VMS, khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài được tăng cường.
Tuy vậy, tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng; thực hiện quy định về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản đến nay vẫn chưa hoàn thành; công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá trên biển, xuất nhập bến, ra vào cảng tại nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm…
Tại Hà Tĩnh, tổng số tàu cá đã đăng ký là 2.318 chiếc, sản lượng khai thác thủy sản hằng năm đạt gần 40.000 tấn. Công tác triển khai các giải pháp phòng, chống khai thác IUU đã đạt một số kết quả tích cực. Đến nay, Hà Tĩnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, không có ngư dân bị bắt giữ vì tham gia khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. Toàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS cho tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản trên biển đạt 100%, cấp giấy phép khai thác thủy sản đạt 86,63%, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đạt 86,33%, cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm trên tàu cá đạt 87,34%...
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung phân tích nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong công tác chống khai thác IUU và gợi mở các giải pháp triển khai thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU; chuẩn bị các điều kiện đón và làm việc với đoàn thanh tra lần thứ 5 của EC tới đây đạt kết quả tốt nhất, quyết tâm để EC sớm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.
Các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, nhất là người đứng đầu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; tăng cường công tác giám sát, quản lý chặt chẽ các đội tàu, không để vi phạm IUU; xử lý dứt điểm tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); tổ chức truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đến cùng.
Cùng đó, tập trung rà soát, phân loại, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm quy định về chống khai thác IUU. Đặc biệt, cần làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân những địa phương còn để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình hợp thức hóa hồ sơ để các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu...